Chuyển hóa các giá trị dân chủ vào đời sống

- Thứ Hai, 18/01/2021, 06:33 - Chia sẻ
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ Nội vụ chủ trì nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về xây dựng và thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân đang được dư luận hết sức quan tâm. Qua nghiên cứu các dự thảo báo cáo, tờ trình, đề cương của Dự thảo Luật, xin góp ý và nêu một số vấn đề có tính tham khảo, góp phần chuyển hóa các giá trị dân chủ vào đời sống.

Bảo đảm tính chuẩn xác, logic chặt chẽ ngôn ngữ

Về tên gọi, “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” (và “Quy chế thực hiện dân chủ” trong các văn bản hiện hành) là cụm từ đúng, đủ nghĩa. Tuy nhiên, do thói quen trong cách nói và viết lâu nay thường đảo ngược từ “thực hiện” lên trước thành “thực hiện Quy chế dân chủ”, vô tình đã làm thay đổi nghĩa cụm từ và bản chất của quy phạm. Vừa qua còn có ý kiến cho rằng nên bỏ chữ “thực hiện” thành “Luật dân chủ”(!), điều đó càng hết sức nguy hiểm về ngữ nghĩa, rất dễ bị các phần tử xấu xuyên tạc cho rằng chế độ ta không dân chủ nên mới ban hành “Luật dân chủ”(!).

Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân - ảnh NGUYỄN HIỀN (1)
Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân
Ảnh: Nguyễn Hiền

Tiếp cận thuật ngữ này cho thấy: “Luật là phép nước đặt ra bắt mọi người phải theo”. “Quy chế là những điều quy định thành chế độ để mọi người thực hiện trong những hoạt động nhất định nào đó.” (Từ điển tiếng Việt ngôn ngữ học Việt Nam của Minh Tân - Thanh Nghi - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa 1998). Hành chính công coi Quy chế là loại văn bản quy phạm pháp luật nếu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự thủ tục luật định.

“Dân chủ” là một phạm trù chính trị, có ý nghĩa rộng, có giá trị nền tảng của cả chính thể quốc gia, được định nghĩa hiểu khái quát là chế độ dân chủ, một hình thức chính trị - Nhà nước. Trong đó, quyền lực tối cao thuộc về Nhân dân; Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào việc ra quyết định, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong Quốc hội và HĐND hoặc thể chế tương tự. Các nền dân chủ dựa trên nguyên tắc: Nhà nước tồn tại để phục vụ Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do Nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là người chủ”, “Dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ”. Trải qua 75 năm kể từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, lịch sử lập Hiến của nước ta đều khẳng định nhất quán nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa, Nhà nước do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Như vậy, nền dân chủ cộng hòa ở nước ta với các giá trị dân chủ, các quyền tự do dân chủ cơ bản đã được Hiến định; không một cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền cao hơn để ban hành thêm “Luật dân chủ” hay “Quy chế dân chủ” mà chỉ được phép ban hành luật để thể chế hóa, quy định cụ thể việc thực hiện, thực thi, thực hành dân chủ mà thôi. Để bảo đảm tính chuẩn xác, logic chặt chẽ ngôn ngữ pháp luật (nói và viết), khắc phục nhược điểm trên, tên gọi “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” là chuẩn xác. Nếu có băn khoăn khi thực tế dùng quá nhiều điệp âm, điệp ngữ “thực hiện” (như: Thực hiện Luật thực hiện dân chủ cơ sở) thì phương án đề xuất tên gọi khảo sát là “Luật thực hành dân chủ ở cơ sở”.

Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), theo thiển nghĩ, Luật này điều chỉnh các hành vi của nhiều đối tượng để bảo đảm thực hiện dân chủ ở địa bàn cấp xã. Do đó, ngoài trách nhiệm của chính quyền cấp xã, cần xác định trách nhiệm của các chủ thể khác liên quan trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, trong phần giải thích từ ngữ (Điều 2) đề nghị bổ sung cụm từ: “Bảo đảm thực hiện dân chủ ở chính quyền cấp xã” bao gồm những nội dung quy định thuộc thẩm quyền của cấp xã và thẩm quyền các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhưng có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân trên địa bàn.

Về giám sát việc bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở (Điều 7), cần ghi rõ đây là trách nhiệm của HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và là quyền của toàn thể Nhân dân theo Hiến định (kể cả những người ở địa phương khác đến làm việc, học tập, tạm trú tại địa bàn) chứ không riêng trách nhiệm của HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã cũng như của người dân thường trú sở tại. Liên quan đến giám sát, đề nghị bỏ hẳn “Điều 15. Những nội dung Nhân dân giám sát.”. Dự thảo Điều 15 ghi: “Nhân dân giám sát việc thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 12, 13 và Điều 14 của Luật này”, dễ gây hiểu nhầm là Luật đã hạn chế quyền giám sát của Nhân dân chỉ trong nội dung 3 điều khoản đó mà thôi. Thực tế, Hiến pháp năm 2013 tại khoản 2, Điều 8 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”.

Về hình thức và cách thức tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở (từ Điều 16 đến Điều 25), đề nghị xem xét bổ sung quy định bắt buộc chính quyền cấp xã phải xây dựng trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử; hàng tháng lập, thông báo rộng rãi “danh mục thông tin công khai” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tiếp cận thông tin, giám sát, phản ánh, góp ý, đề xuất qua hộp thư điện tử và các hình thức khác, góp phần nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở. Đối với những nội dung thông tin công khai quy định tại Khoản 2, Điều 11 dự thảo, đề nghị quy định phải niêm yết công khai ở hội trường thôn, tổ dân phố, nơi các dự án, công trình xây dựng, quy hoạch, kế hoạch có tác động trực tiếp, giúp người dân giám sát hiệu quả.

ThS.Nguyễn Vân Hậu