Hà Giang:

Nghị quyết HĐND gắn công tác giảm nghèo và phát triển sinh kế bền vững cho người dân

- Thứ Sáu, 31/03/2023, 09:46 - Chia sẻ

Qua những chương trình giám sát, tiếp xúc cử tri nhiều Nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh Hà Giang ban hành gắn với công tác giảm nghèo và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Những chính sách với tính thực tế cao, gắn với mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương đã tạo ra sức sống mới cho vùng đất được xem là “lõi nghèo” của miền Bắc.

Giúp người dân làm giàu

Tham gia các mô hình đầu tư có thu hồi, vay vốn theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, HTX nông nghiệp đã ra đời.

Điển hình, có thể kể tới HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch Tu Sản (huyện Mèo Vạc), tận dụng tiềm năng mặt nước của Thủy điện Nho Quế 1, cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, kỳ vĩ, nhất là khu vực hẻm Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, HTX đã phát triển dịch vụ thuyền du lịch để phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm sông Nho Quế.

Hiện nay, HTX có 51 thuyền chở với sức chứa hơn 600 người/lượt. Bình quân mỗi ngày, HTX đón hơn 1.2000 lượt khách đến tham quan tại lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/ngày. Ngoài sử dụng dịch vụ đi thuyền, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương như: Mèn mén, thịt bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, cá bỗng, cá lăng… Trong quá trình hoạt động HTX đã giúp nhiều thành viên trước đây là hộ nghèo có thu nhập ổn định với mức lượng 6-9 triệu đồng mỗi tháng.

Khi đất cằn phủ màu no ấm  -0
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách nhiều mô hình chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nguồn: ITN

Cũng phát triển từ nguồn vốn theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, mô hình phát triển kinh tế của HTX Tuấn Dũng (huyện Mèo Vạc), hiện nay, HTX đang duy trì nuôi gần 100 con lợn nái sinh sản, 300 con lợn thịt thương phẩm. Đây đều là giống lợn đen bản địa, có chất lượng thịt thơm, ngon, giá thành cao, ổn định, được khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh đó, HTX còn nuôi 200 đàn ong lấy mật, 300 con gà thương phẩm. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh là thịt lợn đen Lũng Pù và mật ong bạc hà. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn, các cấp, ngành đã  đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh rà soát, thực hiện quy hoạch vùng, tiểu vùng phát triển vật nuôi, cây trồng phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và đưa các giống chất lượng cao vào nuôi trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử và trên nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của bà con.

Từ những hỗ trợ thiết thực và kịp thời, những chính sách về giảm nghèo đã đi vào cuộc sống một cách thường xuyên, liên tục mang lại những giá trị bền vững cho người dân vùng cao, người dân tộc thiểu số. Trên những mảnh đất gập gềnh núi đá, sức sống vẫn vươn lên mạnh mẽ với những nụ cười tươi sáng của sự ấm no, hạnh phúc.  

Phát huy hiệu quả từ các chương trình, chính sách

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn, Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng/năm. Thực hiện mục tiêu trên, nhiều giải pháp của chính quyền và ngành Nông nghiệp các cấp được triển khai quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu cuối năm 2023 giá trị thu hoạch sản phẩm trồng trọt đạt 62 triệu đồng/ha/năm vượt mục tiêu Nghị quyết trước 2 năm. Phấn đấu sản lượng cây đậu tương, lạc đạt trên 43 nghìn tấn, cây ăn quả ôn đới trên 6.500 tấn gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch sinh thái. Khắc phục các nhược điểm cây ăn quả có múi của tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản lượng đạt 56 nghìn tấn. Duy trì sản lượng chè búp tươi đạt trên 85 nghìn tấn, tập trung chế biến các sản phẩm chè cao cấp, hình thành vùng nguyên liệu xuất khẩu. Nâng cao chất lượng các sản phẩm dược liệu…

Khi đất cằn phủ màu no ấm  -0
Nhiều chính sách phát triển cây trồng đang được tỉnh Hà Giang triển khai. Nguồn: ITN

Tính đến ngày 6.3, tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân đạt gần 40 nghìn ha. Trong đó, cây lúa gần 8.800 ha, đạt 94,6% kế hoạch; cây ngô trên 17.400 ha, đạt 94,1% kế hoạch; cây đậu tương trên 3.160 ha, đạt 65,3% kế hoạch; cây lạc trên 4.560 ha, đạt 78,9% kế hoạch... Trong 3 tháng đầu năm thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực trồng trọt năm 2023.

Tỉnh ủy và ngành Nông nghiệp xác định quan điểm chỉ đạo tập trung đẩy mạnh và hình thành vùng sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và vùng, miền; quan tâm tới các diện tích cây trồng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14, xác định mục tiêu phấn đấu trên một số loại cây trồng chủ lực như: Sản lượng lương thực đạt trên 41,8 vạn tấn, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tập trung phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi lúa gạo ở các huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Yên Minh, Đồng Văn. Đảm bảo sản lượng rau đậu các loại trên 126 nghìn tấn, chú trọng phát triển rau quả chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật ở những nơi phù hợp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến.

HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ trên là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phân công, giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, đơn vị với những mục tiêu, giải pháp cụ thể gắn với tăng cường tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, hình thành mối liên kết và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Cùng với đó, cần khảo nghiệm, sản xuất thử các giống mới gắn với chăm sóc, bảo vệ cây trồng hợp lý theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời vụ, đúng cách bón). Đẩy mạnh thâm canh ngay từ đầu vụ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Tùng Dương
#