Chuyển đổi số trong công tác bảo vệ thực vật

- Thứ Hai, 27/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Trong công tác bảo vệ thực vật, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp nông dân tiếp cận với các kiến thức nông nghiệp một cách đầy đủ, chính xác. Nhất là với công tác phòng trừ sâu bệnh hại, việc ứng dụng công nghệ thông minh có thể dễ dàng giúp nông dân xác định được các loài sâu bệnh gây hại, đưa ra biện pháp phòng trừ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trên đồng ruộng.

Số hóa công tác dự tính, dự báo

Từ tháng 6.2021, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viettel thí điểm xây dựng app tra cứu sinh vật gây hại và các biện pháp phòng trừ trên cây lúa. Cục cung cấp cơ sở dữ liệu cho phía Viettel để Viettel xây dựng app dành cho điện thoại thông minh giúp nông dân tra cứu và đưa ra các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp WeatherPlus lắp đặt hệ thống trạm iMetos theo dõi thời tiết để đưa ra nhận định sớm về khả năng dịch bệnh
Cục Bảo vệ thực vật phối hợp WeatherPlus lắp đặt hệ thống trạm iMetos theo dõi thời tiết để đưa ra nhận định sớm về khả năng dịch bệnh

Khi kiểm tra đồng ruộng, chỉ cần nông dân mở app trên điện thoại thông minh, app sẽ giúp nhận diện, xác định cụ thể loài sâu bệnh hại đang phát sinh trên đồng ruộng, đồng thời đưa ra các thông tin nhằm khuyến cáo cũng như biện pháp phòng, chống cần thiết...

Cuối tháng 9.2021, Cục tiếp tục phối hợp WeatherPlus ký thỏa thuận hợp tác về phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0 (công nghệ, thiết bị quan trắc và dự báo thời tiết, sâu bệnh IMETOS, bẫy thu hút côn trùng gây hại) vào công tác bảo vệ thực vật. Đồng thời hỗ trợ quản lý, giám sát sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Hai bên thống nhất trong thời gian 5 năm (2021 - 2025) sẽ triển khai 6 nội dung hợp tác, cụ thể: tiến hành lắp đặt hệ thống trạm IMETOS; hợp tác triển khai các đề tài, dự án xây dựng phần mềm chuyển tải số liệu dự báo, cảnh báo thời tiết, nhận diện sinh vật gây hại, dự báo cảnh báo sinh vật gây hại trên cơ sở các trạm IMETOS và các phương tiện giám sát côn trùng gây hại; chuyển tải thông tin phục vụ điều hành sản xuất nông nghiệp. Bước đầu sẽ triển khai mô hình thí điểm ứng dụng các trạm IMETOS phục vụ công tác giám sát, dự tính dự báo sâu bệnh hại trên cây lúa tại một số địa phương.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong công tác bảo vệ thực vật theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục sẽ ưu tiên triển khai trên cây lúa trước khi nhân rộng ra đối với các loại cây trồng khác. Cục đã phối hợp, đặt hàng các đơn vị tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu, khảo sát thực nghiệm và đưa vào ứng dụng các biện pháp phòng chống các sinh vật gây hại, đặc biệt là sinh vật gây hại mới nổi. Cùng với sự kết hợp với công nghệ mô phỏng giúp xây dựng, thiết kế mô hình ảo dựa trên nền tảng số liệu thực và một thế giới thực để dự tính, dự báo thị trường, sự biến đổi khí hậu, thời tiết, tính toán các phương án sản xuất…

Trong mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Bộ đặt mục tiêu xây dựng 80% cơ sở dữ liệu số về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data).

Định hình nền nông nghiệp chính xác và tự động

Nông nghiệp chính xác là hoạt động sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện năng suất nông nghiệp và cung cấp cho người nông dân quyền đưa ra các quyết định có chất lượng và sáng suốt. Cung cấp các công cụ mới cho nông dân để tối ưu hóa các phương pháp trên đồng ruộng, đưa ra quyết định tốt hơn, tối ưu hóa chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động, thậm chí con người không cần có mặt trực tiếp. Ở một số khâu nhất định, công nghệ có thể thay thế con người, từ đây hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và mạnh, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường đã tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo để đạt được độ chính xác tuyệt đối. Với công nghệ 4.0, các thiết bị quản lý cây trồng ngoài việc phát hiện bất thường trong tăng trưởng của cây trồng dựa trên phân tích dữ liệu hàng ngày thì còn giúp nhận diện, chẩn đoán nhanh các loại dịch hại và khuyến cáo các loại thuốc để xử lý. Từ đó, giúp người dân sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng liều lượng, đúng nhà sản xuất, giúp quản lý được thời hạn và chất lượng sản phẩm.

Quan trọng hơn, với sự hỗ trợ của các thiết bị này, đã hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ chính môi trường tác động lên cây trồng, mở ra cơ hội canh tác chính xác giúp cho sản lượng tốt nhất, đồng thời cắt giảm sử dụng các chất hóa học trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi tình trạng ô nhiễm.

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã ra mắt phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật quốc gia, cho phép người sử dụng truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của Cục Bảo vệ thực vật với những thông tin mới nhất và đầy đủ nhất về thuốc bảo vệ thực vật hiện có trên thị trường, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam trên từng loại cây trồng, và các bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.

Song song với đó, Cục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện nâng cấp phần mềm thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón, xây dựng cổng tích hợp thanh toán điện tử, xây dựng hệ thống báo cáo thống kê các thủ tục kết nối Hệ thống Một cửa Quốc gia của Cục Bảo vệ thực vật năm 2021.

Duy Anh