Chuyển đổi số:

Giải pháp tái thiết của doanh nghiệp

- Thứ Năm, 20/08/2020, 18:20 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng sâu, rộng tới nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Dịch đã “bẻ gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… cũng như làm thay đổi nhiều khái niệm, mô hình về chi phí. Điều này khiến một số năng lực vốn có được xem là kiến tạo khác biệt thì trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, dịch Covid -19 cũng là "nhân tố" thúc đẩy ứng dụng nhanh khoa học công nghệ, tự động hóa vào sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Doanh nghiệp thời... Covid -19

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải “gồng mình” chống đỡ và dần thích nghi với trạng thái bình thường mới”.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để tồn tại trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để tồn tại trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn có diễn biến phức tạp.
Nguồn: Internet

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có 32,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó có 7,9 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 138 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng (tăng 4,5%). Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy… Trong 7 tháng, cả nước còn có 26,7 nghìn DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 7.2020, có 3.372 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 34,8% so với cùng kỳ; có 3.068 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ; có 1.504 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,9% so với tháng 6 và tăng 4,9%.

Trước tình hình đó, lãnh đạo các công ty, tập đoàn hàng ngày vẫn phải cố duy trì sự tồn tại bằng chiến lược cân bằng, cắt giảm chi phí sao cho ít ảnh hưởng tới hoạt động, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, để chuẩn bị cho những khủng hoảng, tình huống khẩn cấp trong tương lai, cộng đồng DN cũng đang loay hoay tìm giải pháp thích nghi. Một số đơn vị cũng đã chủ động cơ cấu lại các lĩnh vực ưu tiên, ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị hay đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới…

Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT Nguyễn Xuân Việt
Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT Nguyễn Xuân Việt.
Nguồn: FPT 

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Trần Thị Thúy Ngọc chia sẻ, đột phá trong vận hành là câu hỏi được hầu hết các DN đặt ra ở mọi lúc, không chỉ trong khi có dịch Covid -19 hay khủng hoảng. Bài toán được đặt ra ở đây là xác định lại năng lực, thế mạnh của DN… để có kế hoạch, chiến lược phát triển trước khi nói đến câu chuyện hiệu suất, hiệu quả.

“Thực tế ứng dụng CNTT trong các DN hiện tại, hệ thống thông tin được xếp theo hàng dọc và thiếu tính liên kết dẫn tới dữ liệu bị phân tán, thiếu dữ liệu để đưa ra quyết định nhanh trong các tình huống khẩn cấp. Xu thế ứng dụng công nghệ tại DN, chuyển đổi số đang có sự đầu tư lớn hơn, bởi việc tối ưu quy trình là điều quan trọng giúp DN tăng hiệu suất”, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) Nguyễn Xuân Việt cho biết.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

“Tuy nhiên, số lượng những DN Việt kịp thời thích nghi, chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế là không nhiều. Phần lớn vẫn bị động, thiếu những chiến lược tích cực góp phần hỗ trợ DN phát triển từ khủng hoảng…”, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định.

Tăng cường khả năng ứng phó khủng hoảng

Sự lây lan của Covid -19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro… Điều này khiến mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt việc ngăn chặn đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế; dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi kinh tế song song với việc chống “làn sóng thứ hai” của Covid-19. Vấn đề quan trọng đặt ra cho DN Việt lúc này là làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc tồn tại và phát triển cho chuỗi cung ứng trước những khủng hoảng trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, bằng việc ứng dụng công nghệ hay chuyển đổi số các quy trình vận hành, doanh nghiệp sẽ sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn khi quản trị nhanh chóng, kịp thời, từ đó tối ưu chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng. Do đó, lãnh đạo các DN cần có kế hoạch thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng một cách toàn diện hơn. Mặt khác, đánh giá về khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng hiệu suất đối với các DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Xuân Việt nhận định: Chúng tôi đi từ những việc nhỏ, những sáng kiến số giúp tăng hiệu suất vận hành sao cho tất cả các quy trình có thể kết nối hiệu quả với nhau. Tìm những giải pháp như cho thuê công nghệ giúp các DN vừa và nhỏ có thể ứng dụng được với chi phí tối đa và sử dụng ngay lập tức.

Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Internet
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.
Nguồn: ITN

Ngoài ra, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các DN là cần giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn từ bên thứ ba, đặc biệt là khi nguồn hàng dần cạn kiệt và nhu cầu tăng cao. Thêm vào đó, các DN cũng cần chủ động thay đổi, hòa nhập vào các trường hợp khẩn cấp và bắt nhịp với giai đoạn “bình thường mới.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhận định, không giống như những ảnh hưởng của các dịch bệnh trong quá khứ, dịch Covid -19 có những tác động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn đến hệ thống kinh tế và làm suy giảm tiêu dùng. Vì thế, trong giai đoạn này các DN Việt cần hoạt động với tư duy bứt phá, nâng cao năng lực của hệ thống quản trị, thay đổi cách làm việc, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất và mở rộng thị trường…

Đức Hiệp