Chuyển đổi số để tăng cạnh tranh

- Thứ Hai, 17/05/2021, 04:40 - Chia sẻ
Mặc dù thị trường dịch vụ hậu cần (logistics) của nước ta phát triển nhanh và tốc độ tăng trưởng vào nhóm 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế về quy mô và thị phần trước doanh nghiệp ngoại. Nếu không sớm thay đổi, đặc biệt là chuyển đổi số, các doanh nghiệp logistics nội địa sẽ dần mất sức cạnh tranh.
Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Tăng trưởng mạnh mẽ 

Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility mới công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng tăng trưởng ngành logistic toàn cầu.

Agility nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về việc đối phó với dịch bệnh Covid-19. Mức tăng 3 hạng của Việt Nam lên vị trí thứ 8 là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của chỉ mục và thay thế Thái Lan trong 10 quốc gia đứng đầu. Dựa trên những kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới và cầu cung ứng hàng hóa tăng trở lại, Agility dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng logistic cao nhất.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và phương thức hậu cần trực tuyến (e-Logistics) đã có bước tiến mạnh mẽ.

Nhìn nhận chung về những yếu tố thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam, Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương cho biết, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng rất nhanh, năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng GDP vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bước đầu đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu được mở rộng quy mô. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của nước ta đặc biệt là đường cao tốc đã được đầu tư hơn, cảng biển nước sâu đã có thể đón tàu có trọng tải 200.000 tấn.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng nâng cao nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học để chuyển đổi hóa công nghệ. Và dịch bệnh như chất xúc tác giúp cho quá trình chuyển đổi số được tiến hành nhanh hơn. Dịch vụ logistics điện tử đã phát triển nhanh chóng là thành tựu nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.  

Tuy nhiên, thị trường logistics Việt Nam vẫn còn một số khó khăn nhất định. Số liệu thống kê từ VLA cho biết, 95% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về cả quy mô cũng như vốn đầu tư, nhân lực cùng kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp logistics với đối tác sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu chưa chặt chẽ. Việc các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế về sân chơi ở cả chiều mua và bán là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Ưu tiên chuyển đổi số

Những Hiệp định thương mại tự do với quy mô lớn ký kết trong năm vừa qua như EVFTA, RCEP được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, việc cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics là tất yếu khi hướng tới một nền kinh tế mở.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành logisticsi, ngày 22.2, Thủ tướng ban hành Quyết định 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14.2.2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để tháo gỡ những nút thắt của ngành logistics Việt Nam cũng như hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, các chuyên gia cho rằng, trước mắt phải đẩy mạnh các tuyến vận chuyển đường sắt, đường biển, đặc biệt là đường sông do thị trường logistics nội địa vẫn còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ, chiếm tới gần 80%.

Theo Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương, bên cạnh đó, phải tìm cách nâng cao các dịch vụ có giá trị gia tăng cao vì hiện nay trong nước chưa phát triển nhiều mô hình cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng (3PL); cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo (4PL). Hơn hết, ông Tương nhấn mạnh: nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số trong hoạt động dịch vụ logistics là nhiệm vụ hàng đầu vì đó là con đường nhanh nhất giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và năng lực của nguồn nhân lực.

Từ những kinh nghiệm thực tế khi làm việc với các doanh nghiệp, ông Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty Abivin chia sẻ, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics bao gồm những thay đổi về con người, quy trình, chiến lược để giúp có được hiệu suất cao cho doanh nghiệp. Qua những mô hình đã được các doanh nghiệp triển khai thành công, ông Long kiến nghị, khi tiến hành chuyển đổi số ngành logistics thì trước hết phải rà soát năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó tìm kiếm giải pháp phù hợp cho từng đơn vị. Doanh nghiệp cũng cần bám sát thực tế khi chuyển đổi số, nên triển khai từng bước để giảm thiểu rủi ro và duy trì cam kết vận hành. 

Minh Trang