Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền?

- Thứ Sáu, 16/04/2021, 06:40 - Chia sẻ
Quan niệm chuyển đổi số cần rất nhiều tiền đầu tư là ý nghĩ không hoàn toàn đúng, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nói tại Diễn đàn “Kinh tế số và thương mại điện tử” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15.4.
			Ảnh minh họa Nguồn:ITN
Ảnh minh họa
Nguồn:ITN

Hơn 30% doanh nghiệp có đầu tư công nghệ

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi tăng trưởng dựa trên năng suất. Đổi mới kinh doanh và số hóa là một cách thức để đạt được tăng trưởng năng suất cao hơn, tăng khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn khi có cú sốc bên ngoài. Vì vậy, nắm bắt xu hướng của khoa học công nghệ nói chung và vận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nói riêng đang là một yêu cầu cấp thiết.

Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số ở nước ta, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được việc ứng dụng công nghệ số.

          Cụ thể, nghiên cứu của VCCI với hơn 400 doanh nghiệp cho thấy, khoảng 50,9% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; 25,7% bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng; 17,3% vẫn chưa ứng dụng các công nghệ số, nhưng có quan tâm tới việc áp dụng công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Những công cụ kỹ thuật số chủ yếu được ứng dụng là thanh toán điện tử; mạng xã hội; hệ thống hội nghị trực tuyến; dịch vụ điện toán đám mây để chia sẻ dữ liệu; phần mềm quản lý kho hàng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, 3 năm trở lại đây, đa số doanh nghiệp đã tin là cần chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, Tổng cục Thống kê khảo sát 152.000 doanh nghiệp thì hơn 30% có đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau. Đây là một tín hiệu rất tích cực.

          Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Nam Long, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Abivin cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa tài nguyên bắt đầu bằng việc chuyển đổi các tài liệu, thông tin, cách giao tác vụ... sang nền tảng số. Bên cạnh đó, sử dụng các dữ liệu dạng kỹ thuật số sẽ cải thiện quy trình vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp, tối ưu hoạt động, tăng khả năng kiểm soát và tiết kiệm được nhiều chi phí.

Doanh nghiệp kỳ vọng giảm chi phí

Tại diễn đàn, các chuyên gia đưa ra dự báo, chuyển đổi số sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

			Toàn cảnh diễn đàn  Ảnh: Minh Trang
Toàn cảnh diễn đàn
Ảnh: Minh Trang

Tuy vậy, theo TS. Lương Minh Huân, hiện nay một số rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp là chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu hạ tầng công nghệ số và nhân lực nội bộ có đủ trình độ; sợ rò rỉ dữ liệu doanh nghiệp và cá nhân và thiếu thông tin về công nghệ số. Giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số.

Từ đó, phần lớn các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ và hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số cũng như phát triển nguồn nhân lực nội bộ và phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt, minh bạch hơn.

Về phía trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Huân cho rằng, quan trọng nhất là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Sẵn sàng thay đổi, từ bỏ các mô hình truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức cũng là những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thêm vào đó, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý rằng chuyển đổi số là tổng hòa của 5 trụ cột gồm văn hóa, chiến lược kinh doanh số; gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; tối ưu quy trình; công nghệ hóa; phân tích và quản lý dữ liệu. Quan niệm chuyển đổi số cần rất nhiều tiền đầu tư là ý nghĩ không hoàn toàn đúng. Thay vào đó, các yếu tố như sản phẩm, kinh nghiệm, nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực, cách thức sản xuất kinh doanh đâu là vấn đề được doanh nghiệp lựa chọn làm trước mới quan trọng. Để quá trình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, nâng cao tính đổi mới và tính lan tỏa. Ngoài ra, cần gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược và phát triển và đặc biệt lãnh đạo phải là người đi tiên phong.

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, nhấn mạnh thêm, ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã đứng ngoài cơ hội để vươn lên. Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện được. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thể nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để tiến lên thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu.        

Minh Trang