Chính sách tài trợ của các nước cho trường Đại học công lập

Ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 06:58 - Chia sẻ
Xu hướng trên thế giới là trao quyền tự chủ cho các đại học công lập và Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng cung cấp tài chính cho cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Trừ Pháp, học phí ở các nước có tỷ trọng ngày càng tăng, nhưng chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho sinh viên.

Mỹ

Tại Thụy Điển, tài trợ trực tiếp từ NSNN cho các trường đại học công lập chiếm 60%. Các nguồn tài trợ từ các quỹ nhà nước (trung ương, địa phương) là 25%. Tài trợ từ doanh nghiệp và các nguồn khác chiếm 5%. Học phí chiếm 10%.

Tài chính các trường đại học công ở Mỹ một phần do ngân sách địa phương (tiểu bang) cung cấp, phần còn lại do người học đóng thông qua chính sách học phí và tỷ trọng học phí gia tăng hàng năm trong tổng nguồn tài trợ. Chẳng hạn, năm 1980, tỷ trọng nguồn thu từ học phí chiếm khoảng 18% tổng chi cho đào tạo các trường đại học công, thì năm 2005 tỷ lệ này là 32%, năm 2017 tỷ lệ thu từ học phí là 46,4%. (Nguồn: Các Văn phòng điều hành giáo dục đại học các tiểu bang (Phòng tài chính giáo dục).

Ngoài nguồn tài trợ của chính quyền địa phương - tiểu bang, chính quyền liên bang cũng có tài trợ cho các trường đại học công ở Mỹ. Nếu tài trợ từ NSNN địa phương (tiểu bang) chủ yếu để đầu tư cho cơ sở vật chất, thì nguồn tài trợ từ NSNN liên bang hỗ trợ nghiên cứu cho giảng viên và học bổng cho sinh viên nghèo cũng như tín dụng cho sinh viên khác. Nguồn học phí và các hoạt động dịch vụ đào tạo và khoa học dùng để trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường công tại Mỹ.

Dù là nguồn tài trợ của nhà nước tăng về quy mô qua các năm, nhưng nguồn thu học phí có quy mô tăng mạnh hơn, dẫn đến tỷ lệ nguồn thu học phí trong tổng nguồn thu của các trường đại học công tại Mỹ tăng mạnh qua các năm (từ 18% năm 1980, lên 32% năm 2005-Bảng 3).

Pháp

Nguồn tài trợ chính cho các trường đại học công là ngân sách nhà nước (NSNN) trung ương (chính phủ, bộ), chiếm tới 75 - 80% sử dụng cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên. Tài trợ của ngân sách vùng và Liên minh châu Âu (EU) cho các dự án nghiên cứu chiếm từ 5 - 10%. Nguồn học phí chiếm rất ít, từ 3 - 5%. Học phí cho sinh viên sở tại của đại học Pháp rất thấp, khoảng 500 euro/năm. Chính phủ cũng dành một tỷ lệ nhỏ học bổng cho sinh viên nghèo.

Khác với Mỹ, tài trợ của các doanh nghiệp ở Pháp chỉ dành cho một số học bổng cho nghiên cứu sinh hoặc tài trợ nghiên cứu theo hợp đồng với doanh nghiệp, không có tài trợ cho cơ sở vật chất.

Vương quốc Anh

Tài trợ trực tiếp từ NSNN theo các nước/vùng là khác nhau.

Tại Anh, tổng tài trợ từ NSNN chiếm 63% tổng nguồn thu dành cho học bổng, cơ sở vật chất, tài trợ giảng dạy và nghiên cứu, 37% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp (tỷ lệ nhỏ).

Tại Xứ Wales, tổng tài trợ từ NSNN chiếm 70% tổng nguồn thu, 30% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp.

Tại Scotland, tổng tài trợ từ NSNN chiếm 80% tổng nguồn thu, 20% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp.

Tại Bắc Ireland, tổng tài trợ từ NSNN chiếm 68% tổng nguồn thu, 32% còn lại nguồn thu tư nhân bao gồm chủ yếu là tiền tín dụng cho sinh viên vay (học phí) và tài trợ từ doanh nghiệp.

Học phí ở các trường đại học thuộc Vương quốc Anh cũng chia thành hai loại: Học phí tài trợ và học phí cho vay.

Australia

Hiện nay, Australia có 39 đại học công (các đại học mà nguồn thu nhập chính là tài trợ của chính phủ cấp liên bang và bang) và 3 đại học tư. Nhìn chung, các trường đại học tại Australia ít về số lượng (trên dưới 40 trường cho 22 triệu dân) và khá đồng đều về chất lượng. Sự khác biệt chính yếu của các đại học Australia là các chương trình nghiên cứu hậu đại học, kết quả nghiên cứu và trợ cấp nghiên cứu, nhất là trợ cấp xin được từ Hội đồng Nghiên cứu Úc châu (Australian Research Council, ARC).

Các đại học tại Australia phải cung cấp thông tin về các nguồn thu chi hàng năm cho Bộ Giáo dục - Nhân dụng - Liên hệ chỗ làm của Chính phủ Liên bang. Chi tiết tài trợ của chính phủ liên bang cho đại học cũng được thông báo trong ngân sách liên bang hàng năm. 

             Nguồn tài trợ

Số thu theo nguồn tài trợ

 

Nghìn đôla Úc

Phần trăm (%)

Tài trợ của chính phủ liên bang

8.179.090

43,15

Tài trợ của chính phủ bang và địa phương

715.830

3,78

HELP và học phí có bảo trợ trả trước

3.057.847

16,13

Học phí toàn phần

4.202.477

22,17

Thu nhập đầu tư

521.277

2,75

Thu nhập tư vấn và hợp đồng

882.980

4,66

Các nguồn thu nhập khác

1.396.408

7,37

Nguồn tài trợ cho đại học công tại Australia, năm 2008

Nguồn: Australian Bureau of Statistics (2010: Bảng 30:3); Australian Government (2009: 3-4).

Liên bang Nga

Là một nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, những năm qua, cùng với sự mở rộng mạng lưới trường đại học tư, Liên bang Nga đã có chính sách sắp xếp lại các trường đại học công lập. Theo đó, chính phủ Liên bang Nga chọn ra 40 trường hàng đầu để nhà nước đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ trong vòng 5 năm. Cùng với tăng cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ, các trường đại học công cũng tăng học phí, thu hút sinh viên ngoại quốc với học phí cao hơn để nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên.

GS.TS. NGUYỄN THỊ CÀNH - TS. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh