Chính sách tài trợ của các nước cho trường Đại học công lập

3 mô hình tài chính

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:01 - Chia sẻ
Tự chủ tài chính là một phần của tự chủ đại học nói chung nên mô hình tự chủ tài chính đại học gắn liền với mô hình tự chủ trong quản trị đại học. Theo Hauptman (2007), có 4 mô hình về tài chính cho giáo dục đại học, trong đó có ba mô hình tài chính liên quan trực tiếp đến các trường đại học công lập.

Miễn học phí hoặc áp dụng học phí thấp

Theo mô hình này, nguồn tài chính chủ yếu của các trường đại học công là được cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), học phí chỉ là tượng trưng và thu khá thấp, nguồn NSNN chiếm trên 90%, còn dưới 10% là học phí. Theo mô hình này, các trường hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính phủ, học phí hoàn toàn bị kiểm soát.

Mô hình được Mỹ áp dụng vào thập niên 1950 và 1960, sau đó một số quốc gia khu vực Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan cũng đã áp dụng hơn một nữa thế kỷ. Để có thể áp dụng thành công mô hình này, các quốc gia cần phải có đủ năng lực tài chính cho giáo dục đại học.

Học phí được hoàn trả sau khi tốt nghiệp

Theo mô hình này, NSNN sẽ đóng vai trò là nguồn đầu tư ban đầu cho các trường đại học công lập, những đối tượng thụ hưởng dịch vụ giáo dục đại học (GDĐH) phải trả tương xứng với chất lượng của dịch vụ cung cấp theo phương thức vay tín dụng và trả sau khi tốt nghiệp thông qua hệ thống thuế thu nhập cá nhân và hệ thống ngân hàng. Australia đã áp dụng mô hình này cuối những năm 1980 thông qua chương trình hỗ trợ đại học. Sau đó Anh và Thái Lan cũng bắt đầu áp dụng các mô hình tương tự như của Australia từ năm 2006.

Hai điều kiện then chốt của mô hình này là: Mức độ đầu tư ban đầu của NSNN và các thành phần khác đủ hình thành một đại học công lập có chất lượng; Nhà nước cần thiết lập được một cơ chế hữu hiệu nhằm thu hồi nợ vay của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo Phạm Phụ (2010), tỷ lệ hoàn vốn từ nguồn nợ vay của sinh viên Trung Quốc là 55%, của Hàn Quốc là 64%, còn đối với các nước phát triển thì cao hơn nhiều. Nhằm giảm bớt áp lực cho bộ máy quản lý, nhiều quốc gia đã giao trách nhiệm cho vay và thu hồi nợ vay cho hệ thống ngân hàng

Nguồn tài chính của các trường đại học công chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước  

Tăng học phí kết hợp chính sách tài trợ

Mô hình này yêu cầu học phí phải được tính toán sao cho có thể bù đắp một phần đáng kể chi phí hoạt động của trường, đồng thời hướng đến các chính sách hỗ trợ học phí đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các nước áp dụng thành công mô hình này là Mỹ, New Zealand và Canada.

Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục. Nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Phi thiết lập cơ chế học phí song song: Sinh viên không hội đủ điều kiện nào đó về kết quả học tập thì không được theo học miễn phí mà phải đóng học phí ở mức cao.

GS.TS. NGUYỄN THỊ CÀNH - TS. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh