Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Nghiêm túc, đúng quy định

- Thứ Hai, 29/03/2021, 06:21 - Chia sẻ
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, theo danh sách sơ bộ được thông qua, Bắc Ninh có 112 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhìn chung, kết quả giới thiệu người ứng cử bảo đảm số lượng, đúng cơ cấu, thành phần. Công tác kiểm tra, giám sát về bầu cử được tăng cường, sâu sát, tránh tiêu cực phát sinh. Xung quanh vấn đề này, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh NGUYỄN QUỐC CHUNG - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh.

Chất lượng đại biểu ứng cử nâng lên rõ rệt

- Đối chiếu theo Luật cũng như Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026?

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung

- Chúng tôi thấy chất lượng ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ này được cải thiện rất rõ rệt. Trước tiên, chúng tôi thực hiện rất tốt việc tuyên truyền quán triệt tới tất cả các cấp, ngành, đặc biệt tuyên truyền những tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, thành phần liên quan tới HĐND theo quy định Trung ương, địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi thực hiện giới thiệu công khai, minh bạch ở các cơ quan đơn vị, bảo đảm các tiêu chuẩn. Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng tất cả hồ sơ để bảo đảm đáp ứng yêu cầu. Qua thực tiễn, đến thời điểm này về mặt hồ sơ cơ cấu, thành phần đều vượt so với yêu cầu tối thiểu Trung ương quy định. Trình độ năng lực, độ tuổi cũng vượt so với yêu cầu tối thiểu của Trung ương đề ra. 

Xin ông cho biết tỷ lệ người tham gia tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp như thế nào?

- Với sự quán triệt sâu sát đến cơ sở thì ý thức của người dân, cử tri khá cao. Cơ bản các ứng viên được cơ quan đơn vị giới thiệu ứng cử theo phân bổ của Ủy ban Bầu cử. Về ứng viên HĐND tỉnh không có ứng viên nào tự ứng cử; HĐND cấp huyện có 1/517 ứng viên cấp huyện; cấp xã, phường, thị trấn có 17/5866 ứng viên tự ứng cử. Như vậy, tỷ lệ cấp huyện, xã chỉ đạt mức 0,2% trên tổng số ứng viên chúng tôi dự kiến ban đầu.

 

Căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 09/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau khi hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã sớm ban hành Kế hoạch số 45 về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, việc tổ chức hội nghị sẽ được tiến hành từ ngày 21.3 - 13.4.2021. 

Triển khai bài bản, nghiêm túc

- Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, có thể thấy, cơ cấu nữ đại biểu của Bắc Ninh đạt tỷ lệ khá cao, vượt mức tối thiểu theo quy định Trung ương đặt ra, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Bắc Ninh đặc biệt quan tâm bảo đảm cơ cấu nữ. Trong danh sách hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu đang đạt khoảng 41% trên quy định 35% ở tất cả các cấp. Chúng tôi cũng chỉ đạo cấp cấp ủy đảng các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền kỹ năng vận động bầu cử cũng như những kỹ năng khác liên quan tới bầu cử để các ứng viên nữ có cơ hội tham gia ứng cử. Một điểm nữa, chúng tôi cũng chuẩn bị cho việc sắp xếp các ứng viên vào các tổ bầu cử; việc sắp xếp này bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh, để các nữ đại biểu ứng cử có cơ hội cọ xát một cách minh bạch nhất và khả năng trúng cử cao nhất.

- Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia HĐND các cấp. Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh Bắc Ninh đã có các giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả yêu cầu này?

- Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định Trung ương, tránh những tiêu cực, tỉnh cũng triển khai hết sức bài bản, nghiêm túc. Ban Chỉ đạo của tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ quan ban ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, tăng cường kiểm tra, giám sát liên quan tới bầu cử. Đặc biệt là khâu tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được xử lý nhanh, khẩn trương, quyết liệt. Ủy ban Bầu cử cũng thành lập các đoàn giám sát; Thường trực HĐND cũng có chương trình, kế hoạch và thành lập các đoàn giám sát trên tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc sâu sát, bảo đảm cho công tác bầu cử được công khai, minh bạch và tránh tiêu cực xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Thanh thực hiện