Thanh Hóa:

Chương trình OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:32 - Chia sẻ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của các địa phương tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để giai đoạn 2021 - 2025 kế thừa, vận dụng, đưa Chương trình OCOP trở thành trọng tâm trong phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, góp phần xây dựng NTM.
Sản phẩm chè của HTX Nông - Lâm nghiệp Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn) được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019
Nguồn: TTXVN

Tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 69 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các sở, ngành triển khai thực hiện hiệu quả, như tổ chức các hội chợ, triển lãm. Đồng thời, cân đối nguồn kinh phí, ngân sách để hỗ trợ phát triển các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, qua 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Cụ thể, các làng nghề truyền thống ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... Một số sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như lá ngâm chân Mộc Việt (huyện Quảng Xương), tinh dầu sả chanh (huyện Thạch Thành), rượu Sâm Báo (huyện Vĩnh Lộc), nếp hạt cau Lộc Thịnh (huyện Vĩnh Lộc), chè xanh sạch Bình Sơn (huyện Triệu Sơn)...

Qua việc hình thành những sản phẩm OCOP, phương thức sản xuất từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhất là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hình thành được hàng trăm chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.

Khảo sát thực tế tại hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là tạo điều kiện để lao động nông thôn làm việc trong thời gian nhàn rỗi. Điển hình, các chủ thể OCOP tại huyện Nga Sơn đã tạo việc làm cho khoảng 750 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của huyện Hoằng Hóa tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động; hơn 200 lao động tại xã Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP; nghề làm bánh gai tại xã Thọ Diên (huyện Thọ Xuân) tạo việc làm trực tiếp cho 395 lao động và hàng trăm lao động thu nguyên vật liệu làm bánh... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

“Biến” sản phẩm khu vực thành sản phẩm hàng hóa gắn với cơ chế thị trường

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết, “thực chất, OCOP là một chương trình trọng tâm góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng gia tăng giá trị. Để có được sản phẩm OCOP, chủ thể sản xuất phải “biến” sản phẩm của khu vực thành sản phẩm hàng hóa gắn với cơ chế thị trường, có ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến và có đầu tư quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo các chuỗi giá trị. Do đó, chỉ cần được công nhận là sản phẩm OCOP thì quá trình sản xuất đã được đầu tư theo quy mô nhất định, có đầu tư công nghệ vào sản xuất góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn và ứng dụng công nghệ 4.0 vào kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 467 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 5 sản phẩm OCOP quốc gia. Với sự đa dạng về địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa, tỉnh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc hữu, đặc sản mang tính vùng miền và ngành nghề truyền thống. Do đó, mục tiêu 467 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là hoàn toàn phù hợp và có tính khả thi cao.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã và đang hỗ trợ các địa phương xây dựng khung Chương trình OCOP phù hợp với tiềm năng và lợi thế, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng khuyến khích các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm gắn với các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP.

Tâm Anh