Chung sống an toàn với dịch

- Thứ Hai, 17/08/2020, 08:02 - Chia sẻ
Cho đến giờ phút này, có lẽ không còn ai, không còn quốc gia nào nghĩ Covid-19 chỉ là một đợt dịch đột ngột xuất hiện và rồi sẽ biến mất, như SARS năm 2003.

Các nhà hoạch định chính sách của những nước giàu nhất thế giới đang tính tới chuyện sống chung với Covid-19, và những nước nghèo hơn cũng vậy. Bởi nếu không đi theo hướng đó, tình cảnh "giậu đổ bìm leo" có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Kinh tế suy kiệt thì nguồn lực phòng, chống dịch bệnh cũng cạn kiệt, hậu quả khi ấy sẽ rất khôn lường. 

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Phản ứng của cả xã hội ở đợt dịch lần 2 này đã toát lên tinh thần chấp nhận sống chung với Covid-19 nhưng phải an toàn.

Dù dịch diễn biến phức tạp và xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, Chính phủ vẫn nhất quán không giãn cách toàn xã hội, thay vào đó là thu hẹp quy mô giãn cách. Nơi nào xuất hiện ca bệnh thì phong tỏa, giãn cách nơi đó; những khu vực lân cận dịch chưa lan đến vẫn được làm ăn, sinh hoạt bình thường - tất nhiên với tinh thần phòng, chống dịch cao nhất. Ngay tại tâm dịch Đà Nẵng, các khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động. Giải pháp này xuất phát từ kinh nghiệm chống dịch đợt một, từ việc chúng ta hiểu biết hơn về SARS-CoV-2, về cách phòng bệnh và điều trị…; nhưng mặt khác cho thấy Chính phủ và các địa phương đang hướng đến chung sống an toàn với dịch, không để đứt gãy, gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm phát triển kinh tế.

Tương tự, khi dịch quay trở lại, các công sở đều sẵn sàng làm việc trực tuyến; các trường học sẵn sàng dạy và học online; nhiều doanh nghiệp cũng không quá khó khăn để duy trì hoạt động trên nền tảng điện tử; người dân hạn chế tụ tập, ra đường là đeo khẩu trang; chỗ công cộng nào cũng sẵn nước rửa tay, sát khuẩn… Cảm giác như cả nước vẫn đang trong “trạng thái bình thường mới” - nếu từ này được hiểu là tiếp tục sản xuất, kinh doanh, giải trí nhưng phải bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch. 

Tuy vậy, còn nhiều việc phải làm để chúng ta có thể chung sống an toàn với dịch. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho toàn dân nhưng chưa có hướng dẫn cho từng nhóm cụ thể như nhóm sản xuất, nhóm dịch vụ. Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành nghề, chính quyền địa phương để xây dựng quy trình cụ thể và hướng dẫn thực hiện nhằm bảo vệ công nhân trong từng nhà máy lẫn khu trọ, cư xá công nhân, khu tập trung đông công nhân.

Dịch bệnh quay lại và có thể không biến mất chắc chắn sẽ làm đảo lộn các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã chuẩn bị. Song song với chống dịch, giờ cũng là thời điểm Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xác định lại thứ tự ưu tiên, có kịch bản khác nhau để bảo vệ, phục hồi, tăng tốc sản xuất, kinh doanh trở lại.

Trong các kịch bản phát triển, khu vực nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho mọi khủng hoảng cần được ưu tiên cao. Trên thế giới, nhiều nước cũng đang khuyến khích dân chúng khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động thất nghiệp từ các nhà máy, công xưởng, cơ sở dịch vụ. Chính phủ Nhật Bản mới đây đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút những người trẻ trong nước hướng vào ngành nông nghiệp. Singapore - vốn phải nhập khẩu hầu hết lương thực thực phẩm, đã quyết định đầu tư sản xuất cái ăn tại chỗ cho người dân...

Trong dài hạn, nhiều chuyên gia dự đoán rằng thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau dịch Covid-19. Toàn cầu hóa có thể không còn như quỹ đạo hiện nay và chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ thay đổi. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần tính toán - không chỉ bài toán sống chung an toàn với dịch - mà còn là các chiến lược phát triển cho một thế giới hậu Covid-19.

Hà Lan