Chức năng chính của hồ Hoàng Cầu là để đảm bảo thoát nước chứ không phải nuôi cá

- Thứ Sáu, 10/06/2016, 09:28 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Thời gian gần đây, một số hồ nội đô tại Hà Nội xảy ra hiện tượng lạ như nổi tảo, cá chết đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như đời sống trực tiếp của người dân sống tại khu vực quanh hồ cũng như dân cư lân cận. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Đại biểu nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật cấp thoát nước (Sở Xây dựng) Hà Nội Lê Hồng Quân. Ông Quân khẳng định, nguyên nhân sẽ được các cơ quan chuyên môn tìm ra sớm, nhưng việc nuôi cá ở hồ là hoàn toàn không đúng với chức năng của nó. Chức năng chính của hồ là để đảm bảo thoát nước chứ không phải nuôi cá.

Cá chết trắng hồ Hoàng Cầu ngày 8.6

Chức năng chính của hồ không phải là nuôi cá

Liên quan đến vụ cá chết xảy ra ở hồ Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nội), ông Lê Hồng Quân cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường (PC49) đã tiến hành lấy 13 mẫu nước (gồm 8 mẫu tầng nước mặt, 5 mẫu tầng nước đáy); 3 mẫu trầm tích; 5 mẫu cá các loại để đi xét nghiệm. Kết quả sẽ có trong thời gian sớm nhất. Ông Quân cũng nhấn mạnh, khi xảy ra sự việc, tất cả các cấp, các ngành đã cùng bắt tay vào việc, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Sở Xây dựng cùng Công ty Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số công việc ngay trong đêm 8 và sáng 9.6.

Công ty thoát nước Hà Nội cử 300 công nhân, 12 thuyền + canô; 6 xe tải cẩu; 10 xe thùng và 4 xe ép rác, 1 xe phản lực và 8 téc nước, 2 máy phát điện; công ty môi trường đô thị cử 30 nhân công, 5 máy xục khí, 4 máy phun tơi và 2 xe ép rác; công ty chiếu sáng gồm 10 công nhân và 7 bộ đèn phá đến để phục vụ công tác khắc phục hiện tượng cá chết. Hệ thống phun tơi và sục khí cung cấp cũng được duy trì thường xuyên nhằm tăng lượng ô xy trong nước hồ, kết hợp ứng trực để vớt rác và cá chết. Ngoài ra, khoảng 50 bè thủy sinh cũng đã được lắp đặt và từ ngày 11.6 sẽ phun rải chê phẩm sinh học LTH.

Theo báo cáo của Ban Duy tu và Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp với Công ty Môi trường đô thị (Urenco) thì số cá chết sẽ được chuyển lên khu xử lý chất thải Nam Sơn và chôn lấp theo đúng quy định.

Trước ý kiến cho rằng cá chết ở hồ Hoàng Cầu là do nước thải trong hồ bị ô nhiễm, ông Quân cho biết: Hồ Hoàng Cầu là một trong số 13 hồ nằm trong dự án thoát nước của Hà Nội giai đoạn 2 được cải tạo. Việc cải tạo này vừa hoàn thành xong vào tháng 2.2014. Có nghĩa là không thể có nước xả trực tiếp vào hồ. Ông Quân cũng nói thêm, chức năng chính của hồ là để đảm bảo thoát nước, điều hòa thoát nước mưa cho khu vực, đô thị và tạo cảnh quan chứ không có chức năng nuôi thả cá, nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi cá ở hồ là hoàn toàn không đúng với chức năng của nó.


Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật cấp thoát nước (Sở Xây dựng) Hà Nội Lê Hồng Quân

Nguyên nhân lớn nhất là từ con người

Tuy nhiên, không phủ nhận việc nước hồ có ô nhiễm, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật cấp thoát nước giải thích, nước thải được thu gom ở xung quanh hồ, khi không mưa thì nước thải không đạt đến ngưỡng, nó chảy ra ngoài ống. Nhưng khi mưa với lượng lớn, mưa trộn với lượng nước thải tràn vào hồ, hồ sẽ bị lẫn một tỷ lệ nhỏ. Mặc dù vậy, ông Quân vẫn khẳng định, cái ô nhiễm nặng nhất chính là lượng rác thải ở trên vứt xuống. “Quanh hồ Hoàng Cầu có biết bao nhiêu hàng ăn, hàng nước, làm sao quản lý hết được việc họ ném rác xuống hồ?”, ông Quân nói.

Nhắc lại vụ Hồ Ngọc Khánh đầu tháng 5 bị nổi tảo, ông Quân cho rằng đây hoàn toàn là hiện tượng bình thường. “Quản lý không tốt, người dân cũng vô ý thức, vứt rác bừa bãi, nước nông, ánh nắng mặt trời mùa hè rọi xuống tạo ra các loại tảo là tự nhiên và bình thường. Tảo lên, nước không đủ độ sâu và không có ai vệ sinh thì tạo nên mùi, ô nhiễm”.

Còn rất nhiều hồ nội đô khác cũng đều có nguyên nhân, nhưng ông Lê Hồng Quân khẳng định, nguyên nhân lớn nhất là từ con người. Ví dụ như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên nhỏ là những hồ đều có dự án cải tạo nhưng nhân dân không đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. “Bởi vì quyền lợi của người ta, người ta không tạo điều kiện để dự án thực hiện… ngược lại, người ta suốt ngày đổ rác ra, đổ vật liệu ra để lấn chiếm, lấp hồ…”

Khi được hỏi về cách giải quyết triệt để ô nhiễm tại các hồ, ông Quân băn khoăn, Thành phố đã có dự án để giải quyết triệt để cải tạo, nhưng trong quá trình cải tạo lại vướng GPMB, ngoài chuyện kinh phí thì đây là 1 vấn đề rất lớn, nhân dân chưa đồng thuận thì thực hiện rất khó khăn. Nhóm này thì do lợi ích cố hữu, nhóm kia thì gây ô nhiễm, chính quyền đứng giữa không biết làm thế nào…

Để hướng tới một mục đích chung, vì một môi trường xanh – sạch – đẹp, ông Quân hy vọng, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý, người dân cũng cùng chung tay, có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thuận để các dự án còn dang dở sớm được cải tạo, sớm mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân.

Lan Chi