Phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2021 - 2025

Chuẩn hóa mô hình, lan tỏa sâu rộng

- Thứ Năm, 23/12/2021, 08:54 - Chia sẻ
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quốc Hùng khẳng định, văn hóa đọc là một trong những nhân tố quan trọng giúp hình thành những công dân có năng lực đọc, làm phong phú tri thức của nhân loại, hướng đến xây dựng một xã hội học tập. Trước sự biến đổi không ngừng của khoa học - công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thay đổi trong phương thức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2021 - 2025.

Hoàn thiện thể chế

Để kịp thời cụ thể hóa các quy định trong Luật Thư viện 2019 về phát triển văn hóa đọc, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng, đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng môi trường đọc thuận lợi, chuẩn hóa mô hình phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ, công tác tuyên truyền và liên thông thư viện.

Hoàn thiện quy chế giải thưởng Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thực hiện trong năm 2022. Trước đó, từ 2017 - 2021, thông qua giải thưởng Phát triển văn hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khen thưởng, tôn vinh nhiều mô hình cách làm hay, đóng góp của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Điểm mới trong Kế hoạch là chú trọng xuất bản, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc bằng tiếng dân tộc - Nguồn: consosukien.vn  

Xây dựng mô hình phát triển văn hóa đọc

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng các mô hình phát triển văn hóa đọc, tạo sự đột phá góp phần đưa phát triển văn hóa đọc vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng, phù hợp với những định hướng của Đảng và Nhà nước.

Trong đó, chú trọng tăng cường vốn sách cho xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện; xây dựng mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp với Trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn (làng, ấp, bản...) nhằm phát triển văn hóa đọc cho người dân tại cơ sở; phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển văn hóa đọc sinh viên gắn với văn hóa học đường; phát triển văn hóa đọc trong gia đình.

Đi liền với các mô hình phát triển văn hóa đọc là xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả, tác động của các mô hình đối với văn hóa đọc của người dân, từ đó làm cơ sở đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp mà Nhà nước đặt ra đối với phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Biên soạn tài liệu, đào tạo nhân lực

Để hoạt động phát triển văn hóa đọc đi vào chiều sâu, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc cho người sử dụng và công tác phát triển văn hóa đọc trong thư viện, chú trọng xuất bản, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc cho người sử dụng bằng tiếng dân tộc nhằm phục vụ hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với biên soạn tài liệu, Bộ sẽ tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa đọc, trong đó tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp, tuyên truyền, phổ biến các quy định mới ban hành trong lĩnh vực thư viện và phát triển văn hóa đọc.

Hoạt động tuyên truyền, truyền thông vận động cũng sẽ được đẩy mạnh, có tính chất thường xuyên, thường niên nhằm khuyến đọc. Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4.11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan tổ chức ngày sách và văn hóa đọc trong phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các hoạt động như: Tổ chức Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến, xét tặng giải thưởng văn hóa đọc trong cộng đồng cùng nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và không gian mạng.

Xã hội hóa và hợp tác quốc tế

Xác định phát triển văn hóa đọc không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà là sự chung tay của cộng đồng, xã hội, trong Kế hoạch Phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định hoạt động xã hội hóa, vận động tài trợ nhằm tạo tiềm lực cho hoạt động phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng, tạo sức bật với các hoạt động có chiều sâu, để văn hóa đọc lan tỏa, giúp người dân thực hiện quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, tham gia vào hoạt động văn hóa và sử dụng các thiết chế văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số quốc gia có mô hình văn hóa đọc phát triển trong các năm 2023 - 2025 (tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh). Đồng thời, để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, truyền bá văn hóa Việt Nam tới bè bạn quốc tế, năm 2022 - 2024, Bộ xây dựng kế hoạch phát triển không gian đọc sách tại các phòng đọc, không gian đọc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào.

Hương Sen lược ghi​​​​​​​