Phát triển điện gió ngoài khơi:

Chuẩn bị kỹ về khung chính sách

- Thứ Năm, 16/12/2021, 19:41 - Chia sẻ
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi, song đây vẫn là lĩnh vực còn khá mới. Để huy động nguồn tài chính trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, “Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế”, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) Ben Backwell đề xuất.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

Nguồn: ITN 

Tiềm năng rất lớn

“Đây là thời điểm tuyệt vời cho ngành điện gió Việt Nam”. Giám đốc điều hành GWEC Ben Backwell chia sẻ như vậy tại hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam, do Ban kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với GWEC tổ chức chiều ngày 16.12.

Lý giải rõ hơn, ông Ben Backwell cho rằng, điện gió trên bờ đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, với hơn 3,98 GW công suất được bổ sung trong năm 2021. Với con số ấn tượng trên, Việt Nam hiện là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và thứ hai tại châu Á. Trong khi đó, điện gió ngoài khơi đã sẵn sàng để trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia. “Việc nhanh chóng phát triển nguồn điện tuyệt vời này là hết sức cấp thiết cho tham vọng giảm phát thải ròng của Việt Nam”, ông Ben Backwell nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100 m có thể đạt 9 - 10 m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam, trong đó khu vực có tiềm năng lớn là vùng biển Nam Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ. Hiện, nhiều địa phương đang đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tới Bộ Công thương và Chính phủ.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512 GW. Năm 2020, dự báo của Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) nhận định, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.

Tính đến hết ngày 31.10.2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW. Đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.

Triển khai xây dựng một dự án điện gió

Nguồn: TTXVN 

Cần có cơ chế đột phá

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện Bộ đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII,  trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa.​​​​​​

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia và đại diện nhà quản lý, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn còn chậm.

Để thúc đẩy điện gió ngoài khơi phát triển, theo các chuyên gia, việc xây dựng khung chính sách hoàn chỉnh rất quan trọng. “Những cam kết mạnh mẽ được quốc tế đưa ra tại Hội nghị COP26 gần đây đã tạo lực đẩy mạnh mẽ hướng nguồn tài chính quốc tế từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo mới. Việc huy động nguồn tài chính này trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế”, Giám đốc điều hành GWEC Ben Backwell chia sẻ.

Cũng theo ông Ben Backwell, đặc thù ngành điện gió ngoài khơi đòi hỏi quá trình phát triển dự án dài và phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. “Với cơ chế hỗ trợ phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng phát triển và cạnh tranh về giá với các nguồn điện khác. Kinh nghiệm thế giới cho thấy với việc hỗ trợ 4-5 GW đầu tiên thông qua cơ chế giá cố định sẽ đem lại những hiệu quả rõ rệt về giảm chi phí trong dài hạn, lên đến 40-60%”.

Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII cần đưa ra quy mô công suất lắp đặt cao cũng như lộ trình triển khai rõ ràng và minh bạch sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn tài chính tại Việt Nam. “Chúng tôi có hơn 1.500 thành viên trên toàn thế giới, trong đó nhiều doanh nghiệp đã hoạt đồng tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp thành viên khác cũng đang theo dõi rất sát thị trường vô cùng giàu tiềm năng này”, ông Ben Backwell xác nhận.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2045; đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, song song với việc có chính sách để khuyến khích tổ chức tài chính quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài vốn có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao năng lực, trình độ, tiến tới nâng dần hàm lượng nội địa đối với các dự án này.

Đan Thanh