Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Chuẩn bị kỹ lưỡng quyết định hiệu quả giám sát cao

- Thứ Năm, 04/11/2021, 16:50 - Chia sẻ
Chia sẻ bên lề Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, đại biểu NGUYỄN THỊ KIM ANH, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thành viên đoàn giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021” cho rằng, công tác chuẩn bị chu đáo sẽ giúp đoàn giám sát chủ động hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để làm sao vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với tình hình mới… Qua đó nâng cao vị thế cơ quan dân cử, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, bảo đảm “lấy người dân làm trung tâm” và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

- Tiếp công dân khâu đầu tiên, rất quan trọng trọng việc xử lý có hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân?

- Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần giúp các thể chế chính trị - xã hội đến gần với người dân và doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói trực tiếp, qua đó thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi. Đồng thời thể hiện tính dân chủ khi người dân được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình…

Trên thực tế, khi tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật thì không chỉ cơ quan quản lý nhà nước đơn phương ban hành mà rất cần sự phản biện xã hội của các tổ chức, cá nhân, để từ đó người dân đồng tình, ủng hộ hơn khi văn bản được ban hành. Qua đó, sức sống của chính sách, quy định của pháp luật sẽ được bền lâu. Chúng ta phải biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu để ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật thực sự mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho người dân.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh (ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)
Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh

Khi văn bản pháp luật ban hành rồi, quan soạn thảo, quan ban hành cũng cần tiếp tục nắm bắt, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để xem họ gặp khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện, nhằm xử lý, xem xét, giải quyết thấu đáo; trường hợp cần thiết cơ quan nhà nước xem xét, kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật để bảo đảm các văn bản phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng, kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân.

- Là người hoạt động trong lĩnh vực pháp chế lâu năm, như tại cơ quan trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại biểu có cho rằng công tác tiếp công dân và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, của người dân tại sở sẽ giảm được áp lực cho cấp trên?

- Ngành nông nghiệp là ngành đa lĩnh vực, trực tiếp liên quan đến người nông dân, chiếm đại đa số trong xã hội. Thêm nữa, đối tượng điều chỉnh về chính sách còn là các hội, hiệp hội ngành hàng chịu tác động trong quá trình thực thi các văn bản. Vì vậy, việc phản ảnh của doanh nghiệp, người dân cũng như các hiệp hội cũng khá nhiều. Đây là điều đáng mừng, bởi khi người dân, doanh nghiệp quan tâm đến chính sách của Nhà nước ngay từ khâu xây dựng văn bản để phản biện từ xa, từ sớm, sẽ giảm thiểu tình trạng khi văn bản được ban hành ra rồi mới phát hiện ra sự bất cập, vướng mắc, phải sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ.

Việc tiếp công dân cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được thể chế hóa thành luật. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng như các cơ quan Nhà nước khác đều có trách nhiệm thực hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định. Công việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Bộ được thực hiện cơ bản nề nếp, bài bản. Để triển khai công việc này, Bộ giao Thanh tra Bộ là đơn vị đầu mối để thực hiện. Đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác này. Lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng của Bộ trưởng được công khai trên cổng thông tin của Bộ để người dân biết.

Thời gian qua, liên quan đến vụ việc đền bù sự cố môi trường biển năm 2016, trực tiếp lãnh đạo Bộ đã tiếp công dân để lắng nghe; tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cho địa phương thực hiện. Đến nay, chỉ còn số ít địa phương đang tổ chức đền bù cho người dân là cơ bản giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên.

Thực tiễn cho thấy, ở địa phương hay các quan thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà thực hiện tốt ngay từ đầu, đúng quy định của pháp luật, thấu tình đạt lý sẽ giảm áp lực cho các cơ quan ở trung ương, giảm thiểu đáng kể các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài...

UBND tỉnh Quảng Trị tiếp công dân định kỳ tháng 12.2020
UBND tỉnh Quảng Trị tiếp công dân định kỳ tháng 12.2020

- Trở lại chuyên để giám sát này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin đại biểu chia sẻ thêm về mục tiêu và cách thức tổ chức lần này?

- Đây là một trong bốn nội dung giám sát được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn từ đầu nhiệm kỳ với số phiếu nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội. Tôi nhận thấy, việc Quốc hội lựa chọn chủ đề này để giám sát thể hiện được những mong mỏi, nguyện vọng của cử tri, cũng như nâng cao vị thế của cơ quan dân cử, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, bảo đảm lấy người dân làm trung tâm và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Về công tác triển khai thực hiện, kế hoạch mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 14.10 mới đây, được chuẩn bị rất công phu, đã lấy ý kiến thành viên đoàn giám sát cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan để góp ý kiến đối với kế hoạch này. Theo quan sát, trong quá trình đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, từng thành viên trong đoàn giám sát rất trăn trở và kỳ vọng để làm sao mà cách thức tổ chức phải có sự đổi mới và đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện tại.

Cụ thể, phương thức tổ chức được triển khai linh hoạt, chủ động. Đó là thay vì đi khảo sát trực tiếp tại địa phương, thì đoàn giám sát yêu cầu các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo theo đề cương chi tiết, cụ thể. Đồng thời, các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Hội đồng Nhân dân tỉnh cùng tham gia giám sát, hơn ai hết địa phương mới hiểu được những thực tiễn ở cơ sở như thế nào. Với kết quả tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát sẽ phác thảo nên bức tranh để đoàn giám sát nhận định, đánh giá và xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tiến hành giám sát. Đồng thời, Đoàn sẽ làm việc với một số địa phương, cơ quan sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tôi cho rằng, cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19, vừa bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, đi vào thực chất giải quyết vấn đề một cách đầy đủ, khách quan, phản ánh được tất cả những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi các văn bản liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để từ đấy mà đề xuất các các nội dung về sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một số quy định, đồng thời tạo sự chuyển biến trong công tác tiếp công dân, hạn chế tối đa và đi đến chấm dứt các vụ việc khiếu kiện nổi cộm, kéo dài, đông người.

- Xin cám ơn đại biểu!

Nam Anh