Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử

Bài 1: Nâng chất lượng và tính chuyên nghiệp

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:32 - Chia sẻ
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đạt được nhiều thành quả to lớn sau 35 năm đổi mới, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ở góc độ pháp lý, nhiều quy định mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung thời gian qua cũng sẽ tác động trực tiếp đến việc tổ chức cuộc bầu cử. Vì thế, từng bước, từng khâu chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng và dự phòng các “kịch bản” thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19 để bảo đảm thành công của cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử lần này có những điều chỉnh rất quan trọng về số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và số lượng đại biểu HĐND các cấp. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người ứng cử nói chung và người ứng cử đại biểu chuyên trách nói riêng cũng được siết chặt hơn. Đây là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND trong giai đoạn phát triển mới.

Tạo dư địa kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn

Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu rõ, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, tuy số lượng đại biểu được bầu giữ nguyên như các nhiệm kỳ trước nhưng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 sẽ tăng thêm 5%. Tức là, Quốc hội Khóa XV sẽ có khoảng 200 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Quy định này tác động rất mạnh đến công tác chuẩn bị bầu cử, đặc biệt là chuẩn bị về nhân sự ứng cử, từ khâu quy hoạch đến lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Đây là xu hướng tất yếu bởi trong những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã đổi mới rất mạnh mẽ về tổ chức, phương pháp làm việc, đặc biệt là Khóa XIV đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc chuyển mạnh từ Quốc hội tham luận là chủ yếu sang Quốc hội tranh luận. Quốc hội cần có những đại biểu hoạt động chuyên trách, dành toàn tâm, toàn ý, toàn thời gian và được trang bị những kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội. 

Nhiều chuyên gia bày tỏ ủng hộ và đánh giá rất cao việc Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội nhằm bảo đảm trong Quốc hội có tối thiểu 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Với việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách như vậy, tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan hành chính sẽ giảm xuống.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy, việc điều chỉnh như vậy là hợp lý bởi đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu được các cơ quan hành chính giới thiệu ứng cử, nắm giữ cương vị chủ chốt tại các cơ quan này, thường xuyên phải xử lý khối lượng công việc hàng ngày, hàng giờ, không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Theo quy định của pháp luật, đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất 1/3 thời gian cho hoạt động đại biểu Quốc hội nhưng trên thực tế, nhiều đại biểu cho biết khó bảo đảm hoặc bảo đảm được về thời gian nhưng chính họ cũng cảm thấy chưa hoàn thành trọng trách của một đại biểu Quốc hội.

Ở góc độ khác, Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh yếu tố kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp. Giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu được các cơ quan hành chính giới thiệu ứng cử cũng sẽ tạo điều kiện, dư địa để kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử  

Ảnh: Quang Khánh 

Lấy chất lượng bù số lượng

Đối với đại biểu HĐND, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, số lượng đại biểu HĐND các cấp sẽ giảm từ 5 - 10%, ít hơn so với nhiệm kỳ trước. Trước đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã yêu cầu giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Giảm số lượng nhưng phải chú trọng chất lượng đại biểu. Hai vấn đề này phải song hành với nhau, như Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy lưu ý: “Trong công tác chuẩn bị nhân sự phải bảo đảm yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng, phải chọn được những ứng cử viên ưu tú nhất, nhiệt huyết nhất để bảo đảm quyền đại diện của cử tri không bị ảnh hưởng, trong đó cần chú trọng đến chất lượng đại biểu HĐND chuyên trách”.

Trong quá trình chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử thời gian qua, một số ý kiến cũng băn khoăn về việc giảm số lượng đại biểu HĐND bởi quan niệm số lượng càng nhiều thì tính đại diện càng cao. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, đích đến của chúng ta là hiệu quả, là chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử thế nào chứ không phải “ngồi cho đủ cơ cấu”. Tính đại diện cũng rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn, có ý nghĩa quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử là phải chọn được những đại biểu thực sự có năng lực, có tầm bao quát, biết lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, có khả năng giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Hơn nữa, dù được giới thiệu ứng cử với cơ cấu nào thì khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người đại biểu đó không chỉ đại diện cho cử tri ở đơn vị bầu cử đã bầu ra mình, địa phương mình, ngành mình mà còn đại diện cho cử tri và Nhân dân cả nước (với đại biểu Quốc hội) và đại diện cho cử tri cả tỉnh, cả huyện, cả xã (với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Đại biểu có trách nhiệm, có năng lực, có bản lĩnh thì hoàn toàn có thể bao quát được mọi vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, cử tri và Nhân dân đòi hỏi.

Như vậy, giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp không ảnh hưởng đến tính đại diện của Quốc hội, HĐND các cấp mà quan trọng nhất là chất lượng đại biểu như thế nào. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy khẳng định, chất lượng đại biểu là nòng cốt và quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Các quy định về tiêu chuẩn người ứng cử nói chung và người ứng cử làm đại biểu chuyên trách nói chung đã được quy định hết sức cụ thể, rõ ràng, minh bạch tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các tiêu chuẩn người ứng cử của Ban Tổ chức Trung ương... Do vậy, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm chất lượng đại biểu ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử. 

Anh Thảo - Thanh Hải