Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh

Chuẩn bị kỹ để phản biện hiệu quả

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 07:50 - Chia sẻ
Trong một số trường hợp, khi phát sinh nội dung không thống nhất với dự thảo nghị quyết trong quá trình các Ban HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết, việc xử lý thường gặp khó do Tờ trình đã ký chính thức nên cả cơ quan soạn thảo và cơ quan trình dự thảo nghị quyết đều cố gắng bảo vệ nội dung trình. Các Ban HĐND được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết phải chuẩn bị kỹ cả về lập luận, cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn, trường hợp cần thiết, các Ban phải viện dẫn đến các kết quả giám sát chuyên đề liên quan và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở phản biện hiệu quả.

Cung cấp thông tin chính xác, trọng tâm cho đại biểu

Quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được quy định tại Chương VIII, từ Điều 111 đến Điều 126 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, gồm các bước: (1) Lập đề nghị xây dựng nghị quyết, thông qua Thường trực HĐND tỉnh. (2) Soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết. (3) Thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định trình dự thảo Nghị quyết. (4) Các Ban HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết. (5) HĐND tỉnh thông qua dự thảo nghị quyết. Các bước 1, 4, 5 liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ và thẩm quyền của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và HĐND tỉnh.

Đối với bước 1, khi nhận được đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực phân công một Ban của HĐND thẩm tra, báo cáo thẩm tra phải làm rõ cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết; xác định nghị quyết được đề nghị thuộc trường hợp quy định nào của Điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc này cần chính xác vì sẽ quyết định về quy trình, thủ tục cụ thể thực hiện việc ban hành nghị quyết; xác định cơ quan trình dự thảo nghị quyết, thời gian trình HĐND xem xét thông qua, đồng thời đề xuất phân công Ban nào của HĐND có nhiệm vụ thẩm tra. 

Đối với bước 4,  Ban của HĐND tỉnh được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết tiến hành công tác thẩm tra. Do Ban đã theo dõi và phối hợp xây dựng nội dung của dự thảo nghị quyết nên việc thẩm tra tương đối thuận lợi. Trong trường hợp có phát sinh nội dung không thống nhất với dự thảo nghị quyết, nhất là đối với các trường hợp cơ quan soạn thảo thiếu sự phối hợp với Ban được phân công thẩm tra, Ban của HĐND tỉnh sẽ trao đổi với cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan trình dự thảo nghị quyết để thống nhất giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Thường trực cho ý kiến giải quyết.

 Trong thực tế một số trường hợp, khi phát sinh nội dung không thống nhất với dự thảo nghị quyết ở bước này, việc xử lý thường gặp khó, do Tờ trình đã ký chính thức cho nên cả cơ quan soạn thảo và cơ quan trình dự thảo nghị quyết đều cố gắng bảo vệ nội dung trình. Ban của HĐND được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết phải chuẩn bị kỹ về lập luận, cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn, trường hợp cần thiết, Ban phải viện dẫn đến các kết quả giám sát chuyên đề có liên quan và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở phản biện có hiệu quả.

Đối với bước 5, điều quan trọng nhất là đại biểu HĐND tỉnh phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, có trọng tâm về nội dung của dự thảo nghị quyết để xem xét, quyết định. Trong trường hợp tại phiên họp của HĐND tỉnh, đại biểu có ý kiến khác, chưa rõ hoặc chưa đồng tình với một hoặc một số nội dung của dự thảo nghị quyết thì cả cơ quan được phân công soạn thảo, cơ quan trình và Ban thực hiện thẩm tra đều có trách nhiệm giải thích, giải trình. Một nội dung quan trọng là rà soát về bố cục trình bày, về nội dung, về chữ nghĩa, câu từ được sử dụng trong dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh thực hiện có hiệu quả từng bước trong quy trình nêu trên, việc bồi dưỡng và động viên, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh phải được quan tâm thực hiện thường xuyên, giúp đại biểu có điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động nói chung, trong đó có chất lượng tham gia quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.  

Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Dương

Ảnh: Thùy Trang 

Nội dung lấy ý kiến nên giao cho Thường trực HĐND

Trên thực tế, một số quy định hiện hành có nội dung cụ thể quy định do UBND tỉnh quyết định, nhưng trước khi quyết định phải lấy ý kiến của HĐND tỉnh (Luật Nhà ở); hoặc một số nội dung thực hiện phải lấy ý kiến của HĐND tỉnh (Luật Đầu tư công)… Quy định này đang khó thực hiện, vì hình thức “cho ý kiến" của HĐND tỉnh chưa được hướng dẫn, nếu HĐND ban hành nghị quyết về cho ý kiến thì không ổn, còn không ban hành nghị quyết thì ban hành hình thức văn bản nào? Nên quy định rõ trong các luật: Nội dung nào cần quyết định thì giao cho HĐND tỉnh, còn nội dung nào lấy ý kiến thì giao cho Thường trực HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ  Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 4 của Nghị định quy định về các trường hợp lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau: “4. Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 27 của Luật”. Với quy định này, khi xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật không thuộc trường hợp lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Quy định như vậy là trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Luật này quy định cả 4 trường hợp quy định tại Điều 27 đều phải thực hiện việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, việc lập đề nghị đối với trường hợp 1 của Điều 27 được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 111 và Khoản 2 Điều 117 của Luật này.

Nếu áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP  bị vô hiệu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, khi cơ quan thẩm định viện dẫn nội dung quy định này đã gây khó cho cơ quan được phân công xây dựng dự thảo nghị quyết, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi cho thống nhất.

NGUYỄN NHẬT