Chưa tương xứng với tiềm năng

- Thứ Tư, 24/03/2021, 05:49 - Chia sẻ
Mục tiêu của Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý...

Cụ thể, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước và thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Xây dựng 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên; xây dựng 2 - 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1 - 2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Đến năm 2030, nước ta trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đạt khoảng 1 tỷ USD...

Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, hiện nước ta ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc đồng thời sở hữu nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu. Nhu cầu dược liệu trong nước cũng lên tới vài chục nghìn tấn mỗi năm, nhưng đáng tiếc phần lớn trong số này vẫn phải nhập khẩu. Ngoài ra, còn nhiều điểm yếu kém khác khiến ngành dược cũng như dược liệu sản xuất trong nước dù tiềm năng có, nhu cầu lớn nhưng vẫn chỉ ở  dạng tiềm năng. Cụ thể đó là khâu chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc nuôi trồng, khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Nhiều loài được nuôi trồng không theo quy trình, quy hoạch làm giảm chất lượng. Đặc biệt, việc nghiên cứu, chọn tạo công nhận và bảo hộ giống còn nhiều khó khăn do quy trình, quy phạm khảo nghiệm đối với cây dược liệu chưa được ban hành. Việc khai thác quá mức theo kiểu tận diệt khiến nhiều loài dược liệu có nguy cơ biến mất...

Không thể phủ nhận dù vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nhưng công nghiệp dược của nước ta cũng đã có những bước phát triển nhất định. Đó là một số sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất có chất lượng, tạo dựng được thương hiệu cả trong và ngoài nước. Một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam để đầu tư... Tuy vậy, nếu so với tiềm năng thì vẫn chưa tương xứng, cụ thể phần giá trị sản xuất trong nước vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu.

Bởi vậy, để ngành dược nói chung, dược liệu sản xuất trong nước nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, điều cần thiết là phải có kế hoạch, giải pháp phù hợp mà trước tiên phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng. Tiếp đó là phải nhìn nhận vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để phát triển.

Vấn đề nữa là phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường mà trước tiên là đáp ứng nhu cầu trong nước, sau đó hướng tới xuất khẩu. Cần đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, cần tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.

Linh Trang