Chưa triệt để

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 06:01 - Chia sẻ
Vẫn tiếp tục giữ lại các giấy tờ mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể chia sẻ tại cơ sở dữ liệu như Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Quyết định thành lập; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo… là những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp tại Dự thảo Báo cáo và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông Vận tải. Điều này không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp, mà chính cho cơ quan quản lý trong quá trình lưu trữ hồ sơ, giấy tờ.

Chẳng hạn, đề xuất sửa quy định tại Khoản 1, Điều 57, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay thì: Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không phải có “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Tuy nhiên, hiện thông tin về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp phép có thể có được thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh đề xuất không yêu cầu nộp bản sao chứng chỉ nhân viên, thay bằng Danh sách nhân viên có chứng chỉ phù hợp, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng Dự thảo cần bổ sung thêm đề xuất bỏ “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Hay, quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển phải có: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu; Danh sách các chức danh và hợp đồng lao động kèm theo bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ theo chức danh. Tuy nhiên, tại Dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải vẫn để lại yêu cầu này trong thành phần hồ sơ, trong khi đó cơ quan cấp phép có thể có được thông tin này từ các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Hơn nữa, mặc dù chủ trương của Chính phủ là hạn chế các yêu cầu chứng chỉ, bản sao chụp có chứng thực song tại Dự thảo thì các yêu cầu này vẫn giữ nguyên. 

Bên cạnh việc giữ nguyên các loại giấy tờ mà cơ quan quản lý có thể chia sẻ, khai thác tại Cơ sở dữ liệu dùng chung, hoặc chuyên ngành, thì Dự thảo cũng chưa nhận được sự nhất trí cao của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khi đưa ra các phương án cắt giảm. Chẳng hạn, phương án đề xuất sửa đổi quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, theo hướng: “doanh nghiệp có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng”. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc cơ sở đào tạo lái xe phải sở hữu xe là hợp lý. Tuy nhiên cách thức sửa đổi tại Phương án lại chưa phù hợp, bởi việc vẫn giữ lại quy định giới hạn tỷ lệ (không quá 50%) sử dụng số xe hợp đồng so với số xe sở hữu, xác định loại xe nào được sử dụng xe hợp đồng có nghĩa là cơ sở đào tạo lái xe vẫn bắt buộc phải sở hữu xe. Như vậy, sửa đổi quy định “xe thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe” vừa ít ý nghĩa vừa thiếu minh bạch hơn là quy định hiện hành.

Phạm Hải