Sửa đổi Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế:

Chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi

- Thứ Năm, 24/06/2021, 06:46 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (gọi tắt là Nghị định 82), trong đó có nhiều điểm mới. Tuy vậy, theo đánh giá, dự thảo vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Chậm đổi mới, thiếu gắn kết

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4.2021, cả nước có 575 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 nghìn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt khoảng 43,1 nghìn ha.

Cần tránh để khu công nghiệp lấy đất "bờ xôi ruộng mật” Nguồn: ITN
Cần tránh để khu công nghiệp lấy đất "bờ xôi ruộng mật”
Nguồn: ITN

Về khu kinh tế, cả nước có 18 khu ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha. Bên cạnh đó, có 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch.

Thời gian qua, các KCN, khu kinh tế đã thu hút lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4.2021, các KCN, khu kinh tế đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.

Tuy vậy, việc phát triển KCN, khu kinh tế hiện đang có một số vấn đề, như mô hình phát triển của các khu chậm được đổi mới. KCN vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Khu kinh tế cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực.

Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động) chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN, khu kinh tế. Hầu hết các KCN hiện nay phát triển theo mô hình tập trung công nghiệp đơn thuần. Tại địa phương đã hình thành hệ thống Ban Quản lý KCN, khu kinh tế song quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, mới được phân cấp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư. Các lĩnh vực khác (xây dựng, lao động, môi trường...) vẫn thực hiện theo cơ chế ủy quyền nhưng thực tế triển khai cơ chế ủy quyền khá chậm, chưa triệt để...

Tránh đưa KCN vào "bờ xôi ruộng mật"

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 82 là hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho các loại hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, hoàn thiện mô hình KCN, khu kinh tế và giải quyết các quy định còn chưa phù hợp với văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho Ban quản lý KCN, khu kinh tế theo cơ chế “một cửa tại chỗ”, thuận lợi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Trong bản dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiều điểm mới về quản lý, điều chỉnh quy hoạch; phân cấp thẩm quyền đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo hướng hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc phân cấp UBND cấp tỉnh; ưu đãi đầu tư... Diện tích KCN tối thiểu là 75ha; bảo đảm dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...

Từng đặt kỳ vọng vào việc sửa đổi Nghị định 82 để theo kịp sự phát triển của KCN, khu kinh tế cũng như khắc phục được các rào cản hiện hữu, song nhìn vào bản dự thảo lần này, Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư Lê Xuân Hiền cho rằng “không mấy ấn tượng” bởi “chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi”.

Cụ thể, theo ông Hiền, các KCN hiện chủ yếu thu hút khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất mạnh. Mặc dù dự thảo xác định các KCN phải dành tối thiểu 5% diện tích đất công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo nhưng thực tế, để vào được KCN đối với doanh nghiệp trong nước là vấn đề không đơn giản do giá cho thuê, trong khi đây không phải là trở ngại với doanh nghiệp FDI. Muốn cụ thể hóa quy định này, phải có cơ chế riêng về giá thuê đất cũng như ưu đãi đầu tư, trong đó phải chỉ đích danh là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu kết nối quy hoạch giữa KCN cũ với KCN mới, giữa các nhà đầu tư nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuy nhiên, theo ông Hiền, trong bối cảnh “mạnh ai nấy chạy quy hoạch, mạnh ai nấy lo thủ tục”, việc lập quy hoạch đang làm ngược (dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư chứ không hoàn toàn trên nhu cầu, nguyện vọng của địa phương) sẽ rất khó đạt được mục tiêu. Do vậy, cần có một bàn tay đạo diễn chung ở tầm Chính phủ, coi đó như “vòng kim cô”. “Đừng sợ phân cấp cho địa phương sẽ khiến họ lợi dụng, có lợi ích nhóm. Điều này sẽ tạo ra sự chủ động, linh hoạt trong khuôn khổ “vòng kim cô”, tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm, tùy nghi điều chỉnh cũng như không còn xin - cho”.

Đặc biệt, cần định hướng các KCN vào khu vực mà sản xuất nông nghiệp, dịch vụ không làm được thay vì lấy những khu vực thuận lợi phát triển thương mại dịch vụ, "bờ xôi ruộng mật" - của để dành cho thế hệ mai sau. Khi đó, suất đầu tư KCN có thể sẽ lớn hơn nhưng bù lại, Chính phủ cần hỗ trợ, thậm chí làm các tuyến đường giao thông vào tận chân hàng rào KCN. “Định hướng này sẽ vừa phát triển kinh tế các vùng miền vừa đạt được tầm quy hoạch, không phải chạy theo nhà đầu tư vốn thấy có lợi ở đâu thì họ mới vào”, ông Hiền nhấn mạnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cho rằng, muốn Nghị định mới thay thế Nghị định 82 thực sự hiệu quả, việc rà soát lại Nghị định 82 là rất cần thiết. Ông lấy dẫn chứng, cả nước có 575 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chỉ có 392 KCN được thành lập, trong đó có 286 KCN đang hoạt động. Vậy lý do vì sao chưa triển khai các KCN đã được quy hoạch, hướng giải quyết thế nào cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, tránh tình trạng quy hoạch tiếp tục bị “treo” làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện cả nước có khoảng 1.000 cụm công nghiệp được xây dựng, trong đó hơn 700 cụm đi vào hoạt động và chiếm đất không nhỏ. Tuy vậy, đến nay chưa đặt ra việc kết nối giữa KCN với các cụm công nghiệp là một thiếu sót. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tính đến việc này để phát huy hiệu quả hoạt động của các KCN cũng như cụm công nghiệp.

Đan Thanh