Chưa có nhiều cải thiện

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:18 - Chia sẻ
Vốn đầu tư công được coi là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng" trong giải ngân vẫn đang tiếp diễn...

Theo kế hoạch, năm 2021, tổng vốn đầu tư công là trên 594.240 tỷ đồng, trong đó, có 526.378 tỷ đồng vốn ngân sách năm nay, 67.861 tỷ đồng vốn năm trước chuyển sang. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, lượng vốn đã thanh toán chỉ đạt hơn 102.000 tỷ đồng, bằng 22% vốn kế hoạch Thủ tướng giao, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện mới chỉ có 7 bộ, ngành, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; 39/50 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Đáng chú ý, có 13 bộ, ngành chưa giải ngân; 8 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 1%; 22 bộ, ngành giải ngân chỉ đạt từ 1 - 10%...

Lý do dẫn đến việc giải ngân đạt thấp, theo các bộ, ngành, địa phương là do chưa phân bổ vốn do các đơn vị mới giao kế hoạch vốn đợt 1, một số dự án chưa đủ điều kiện phân bổ vốn do chưa nằm trong danh sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; một số dự án quá thời gian thực hiện nên phải trình Thủ tướng cho ý kiến... Bên cạnh đó, còn có các lý do khác như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, một số dự án chậm giải phóng mặt bằng; chưa minh bạch trong đấu thầu dự án, chọn nhà thầu không đủ năng lực... Một vấn đề nữa, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do có nhiều thủ tục nên nhà thầu, chủ đầu tư thường có tâm lý "để dành" đợi khối lượng lớn mới làm hồ sơ thanh toán.

Như vậy có thể thấy, dù đã diễn ra nhiều năm nhưng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được cải thiện. Còn nhớ, năm 2020, chỉ trong vòng vài tháng, Chính phủ đã phải tổ chức tới 3 hội nghị, thành lập đoàn công tác kiểm tra đồng thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả là việc giải ngân đã cơ bản đạt kế hoạch.

Đến năm nay, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13 trong đó yêu cầu cắt giảm số lượng dự án nếu chưa thực sự cần thiết. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn cho dự án đầu tư.

Cho dù việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải loại bỏ tư duy "từ từ". Đặc biệt, việc chuẩn bị dự án phải làm tốt hơn để khi duyệt xong kế hoạch có thể thực hiện và giải ngân được ngay. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là từ đâu chứ không thể cứ nói là do cơ chế, chính sách. Phải quy trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành khi lập dự án, dự toán, cho bên thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án chứ không thể tiếp diễn mãi tình trạng thích xin thì xin rồi “ngâm” vì việc lãng phí nguồn vốn này không những gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công mà còn trực tiếp gây thiệt hại ngân sách và xã hội - một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu những tác động rất lớn của dịch bệnh như hiện nay, vai trò của vốn đầu tư công càng quan trọng hơn, đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Đồng thời tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác - nên không thể tồn tại tư duy "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng" như đã từng diễn ra nhiều năm qua.

Ninh Hà