Ngăn chặn bạo lực học đường

Chú trọng kỹ năng và giá trị sống

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:23 - Chia sẻ
Bạo lực học đường đang trở thành điểm nóng, trở thành sự trăn trở của toàn xã hội. Điều đáng nói, mỗi lần xảy ra vụ bạo lực học đường thì dường như cả gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng rồi đâu lại vào đấy, bạo lực học đường tiếp tục diễn ra.
Hướng đến giáo dục tích cực, toàn diện
Nguồn: ITN

Không chỉ bạo lực thân thể

Mới đây, ngày 22.3 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ sinh tại Bình Phước bị nhóm người đánh hội đồng bằng gậy sắt và mũ bảo hiểm. Đoạn clip dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh một cô gái trẻ ngồi trên xe máy bị 3 cô gái khác dùng mũ, gậy sắt đánh liên tiếp vào đầu, người. Qua xác minh, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Lộc Ninh (thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) xác nhận cô gái trẻ bị đánh trong clip là học sinh lớp 10 của trường, tên N.Q.A. Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 21.3.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc điển hình về bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua. Lý giải về vấn đề này, thầy Thái Bá Quý là giáo viên Trường THPT Diễn Châu 5, Nghệ An phân tích, các em đang ở trong giai đoạn là lứa tuổi hiếu động, khó làm chủ cảm xúc của bản thân nên dễ phát sinh các mâu thuẫn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mạng xã hội nên khi phát sinh mâu thuẫn các em thường giải quyết bằng bạo lực để khẳng định bản thân với bạn bè. Thậm chí, có không ít trường hợp các em gây ra bạo lực để thỏa mãn cái tôi hoặc để xả áp lực. Từ đầu năm đến nay, tại trường đã xảy ra 2 - 3 vụ đánh nhau nhưng tính chất chưa thật nghiêm trọng và nhà trường đã tiến hành họp kỷ luật đối với 1 trường hợp. Ngoài bạo lực về hành động thì bạo lực về tinh thần thông qua các hình thức như khủng bố về tin nhắn, lời nói, cô lập... là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Có thể nói đây không phải là hình thức bạo lực mới nhưng để phát hiện và can thiệp thì gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, chính bản thân các em không chia sẻ, thông báo lên nhà trường. Đơn cử, mặc dù nhà trường đã tham vấn, hỗ trợ các em khi gặp khó khăn nhưng thực tế số học sinh cần đến sự tư vấn, hỗ trợ từ thầy, cô giáo chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Là thầy giáo với hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Võ số 1, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Gia Thịnh cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ nhìn nhận tình trạng bạo lực học đường với những biểu hiện bên ngoài là sự xô xát, đánh nhau… giữa học sinh với học sinh và chúng ta chỉ định hướng, quan tâm, bảo vệ học sinh mà quên rằng bạo lực về tinh thần cũng cần phải được quan tâm đúng mực. Có thể thấy, tình trạng bạo lực học đường tác động rất nhiều tới giáo dục, bởi nó không chỉ ảnh hưởng về mặt thể xác mà còn ảnh hưởng tới cả tâm hồn không chỉ của học sinh, thậm chí là cả giáo viên. Chính vì vậy, đòi hỏi cái nhìn rất nghiêm túc, toàn diện, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt thì tình trạng bạo lực học đường mới có thể đẩy lùi”.

Trường học không những là nơi truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn là nơi giáo dục đạo đức, tính cách cho người học. Do đó, không nên cứng nhắc với các hình thức kỷ luật, bởi như thế các em sẽ mặc cảm, tự ti... Thực tế cho thấy, học sinh ngày nay vô cùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài nên khó điều chỉnh hành vi của mình. Những trường hợp như vậy, rất cần các thầy cô uốn nắn, dạy bảo thay vì áp dụng các hình thức kỷ luật mạnh tay.

Luật sư Nguyễn Văn Ngọc (Đoàn Luật sư Nghệ An)

 

Uốn nắn, dạy bảo hay áp dụng kỷ luật?

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ để hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Cụ thể, Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này…”. Theo đó, trong trường hợp các em học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc trên 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi bạo lực học đường mà mình gây ra khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự.

Bên cạnh đó, trong trường hợp các em học sinh chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã từ đủ 12 tuổi theo quy định tại Điều 90, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tùy từng trường hợp sẽ áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 89 hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 91, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Quy định pháp luật thì như vậy, song không dễ gì thực hiện. Bởi, điều này xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em. PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Đào tạo bồi dưỡng, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu thực tế, những biện pháp giáo dục về văn hoá ứng xử trong nhà trường có thể chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số. Để học sinh có những ứng xử phù hợp trên không gian mạng xã hội, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc cần có sự hướng dẫn từ 2 phía gia đình và nhà trường. Trước tiên là về phía gia đình cần có sự quan tâm, theo sát các con, hướng dẫn các con trong việc tiếp cận các vấn đề trên mạng. Ở góc độ nhà trường cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, chương trình, hoạt động trải nghiệm cho học sinh giao tiếp, thực hành, ứng xử với nhau.

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu thực tế, hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề về kiến thức mà chưa thực sự chú trọng những kỹ năng và giá trị sống, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhiều học sinh chưa trang bị được đủ các giá trị giáo dục sống như giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung. Học sinh không được giáo dục một cách đầy đủ về những việc này thì khi tiếp nhận những cái xấu các em dễ làm theo, dễ bị lôi kéo, thậm chí kích động dẫn tới những hành vi bột phát. Do đó, cần phải giáo dục và định hướng cho học sinh về văn hoá ứng xử, nền nếp từ nhỏ tới lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh.Thái Yến - Nguyễn Ngân

Đặng Thái Yên - Mgiuyễn Ngân