Kiện toàn nhân sự Quốc hội, Chính phủ

Chú trọng công tác xây dựng thể chế

- Thứ Sáu, 02/04/2021, 05:37 - Chia sẻ
Tiếp tục công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ Mười một, hôm qua, Quốc hội đã bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội mới và trong tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ. Kỳ vọng vào vai trò của các nhà lãnh đạo mới, các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long):
Tâm huyết và trách nhiệm

Ảnh: T. Chi

Trong hai khóa liên tiếp tôi làm đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã liên tục có sự kế thừa, phát triển và đổi mới, cải tiến trong hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kể cả trong lĩnh vực đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Để đạt được kết quả toàn diện như vậy, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội rất quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan thường trực, giúp Quốc hội triển khai có hiệu quả công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội thường xuyên trao đổi, dành thời gian thỏa đáng làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các bộ, ngành, địa phương để nắm rõ tình hình, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo; cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa khoa học, hợp lý hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng như giám sát, hướng dẫn có hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các địa phương.

Đến thời điểm này, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và 3 Phó Chủ tịch Quốc hội mới. Đây đều là những đồng chí có trình độ, từng đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau và từng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội cũng cảm nhận được rằng các đồng chí đắc cử đều là những người rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Tôi rất ấn tượng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định trong bài phát biểu ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức là nguyện đem hết sức mình phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc và vì hạnh phúc của Nhân dân. Tôi tin tưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thực hiện được lời hứa này với cử tri và Nhân dân cả nước; cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập thể Quốc hội thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, cử tri và Nhân dân giao phó, cùng hệ thống chính trị đưa đất nước ngày càng phát triển. Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả phát triển của Quốc hội trong 75 năm qua, kế thừa các thành tựu của quá trình 35 năm đổi mới của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân.

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên):
Kinh nghiệm và bản lĩnh

Ảnh: Hoàng Ngọc

Có thể khẳng định, công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XIV đã để lại nhiều dấu ấn. Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, chúng ta cũng còn những hạn chế trong công tác lập pháp, nhất là tình trạng đưa vào, rút ra các dự án luật. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, tôi mong muốn lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chương trình xây dựng luật. Chính phủ cần dành thời gian thỏa đáng để xem xét các dự án luật một cách đầy đủ, thận trọng, khách quan; tổ chức các phiên họp chuyên đề để xem xét đối với những dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ điển hình vừa qua là Chính phủ xin tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Rõ ràng, trong chương trình xây dựng luật, pháp luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ chỉ trình xin sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm, để làm rõ chính sách ngay từ đầu đối với từng dự án luật như thế nào. Việc tách luật cũng khiến công tác đánh giá chính sách không được trọn vẹn. Trong khi đó, Báo cáo đánh giá chính sách là cơ sở để xem xét những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi chính sách. Nếu không đánh giá tác động thì sửa trên cơ sở nào? Chúng ta phải tuân thủ các quy định đã nêu trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tôi cũng rất kỳ vọng, Thủ tướng sẽ sâu sát hơn trong công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một cách nghiêm tác đầy đủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng trong phiên thảo luận về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, có ý kiến đại biểu đã nêu ra việc loại bỏ lợi ích nhóm trong tham nhũng chính sách, vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ phải rất quyết liệt mới thực hiện được. Chỉ mình Thủ tướng chỉ đạo thì việc khó thành. Bởi lẽ lợi ích nhóm gắn với ai, với chính sách bộ ngành, vì quá trình xây dựng dự án luật gắn với các bộ ngành được phân công. Khi có sự thống nhất, quyết tâm trong thực hiện, đặt lợi ích của Nhân dân, đất nước lên trên hết, thì mới tạo được sự đồng bộ, gạt bỏ được lợi ích ngay từ lúc xây dựng dự án luật.

Đối với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, tôi thực sự tin rằng, các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy và tăng cường vị trí, trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án luật. Chúng ta đã có “cẩm nang” là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần tuân thủ nghiêm túc. Đối với từng lĩnh vực, chúng ta đều phân chia rõ trách nhiệm thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Tất cả cơ quan của Quốc hội phải có trách nhiệm thẩm tra bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án luật đối với hệ thống pháp luật hiện hành. Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã làm rất tốt vai trò này. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã bám sát ngay từ khi thẩm tra luật để xem xét chính sách đưa ra như thế nào, đánh giá ra sao, nguồn lực thực hiện từ đâu, bảo đảm tính khả thi của các dự án luật. Và dĩ nhiên, muốn Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp thì lãnh đạo Quốc hội cần đặt niềm tin ở các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra dự kiến xây dựng chương trình luật, pháp luật.

Đối với những dự án luật được phân công cụ thể, chúng tôi rất mong lãnh đạo Quốc hội lưu tâm đến các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Nếu cần có thể xem xét giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo vì sao còn có ý kiến khác nhau, từ đó lãnh đạo Quốc hội phụ trách lĩnh vực đó có thể tổ chức các cuộc làm việc để lắng nghe ý kiến của các cơ quan: cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cả cơ quan phối hợp thẩm tra, vì sao đồng tình, vì sao không đồng tình. Làm vậy sẽ rất rõ, rất kỹ. Cần thiết, có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và lấy phiếu các đồng chí đứng đầu Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng chính là các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra quyết định, rất nghiêm túc và dân chủ. Tôi tin rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ba Phó Chủ tịch Quốc hội mới vừa được Quốc hội bầu tại kỳ họp này, với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông):
Gương mẫu và quyết liệt hành động

Ảnh: Hoàng Ngọc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm khi đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của đất nước như Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước... gần đây nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong quá trình đảm nhiệm các chức vụ, đồng chí Vương Đình Huệ luôn thể hiện được phẩm chất, năng lực, tư duy, tầm nhìn và một phong cách lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt hành động. Việc Quốc hội Khóa XIV bầu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là quyết định vô cùng chính xác, đúng với nguyện vọng và mong muốn của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tôi kỳ vọng và tin tưởng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét hơn nữa trong hoạt động của Quốc hội trên cơ sở phát huy tối đa những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội Khóa XIV và các khóa trước.

Tôi mong muốn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực lập pháp với nhiều bài học kinh nghiệm rút ra ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, nhất là khắc phục tình trạng đưa vào, rút ra các dự luật; tổ chức soạn thảo dự án luật chưa bảo đảm tính khách quan, chưa có đánh giá tác động của dự án luật... Bởi, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thực thi mới có hiệu quả. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

T. Chi - H. Ngọc - T. Thành ghi