Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 17:51 - Chia sẻ
Chiều 28.11, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”

Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Hết lòng vì cộng đồng

Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 đại biểu tiêu biểu nhất trong lĩnh vực công tác xã hội ở khắp mọi miền đất nước. Trong số 400 đại biểu tham dự Lễ tuyên dương có 197 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, 100 đại biểu là nhân viên đang công tác trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại các trung tâm, cơ sở điều trị và 300 đại biểu là những cá nhân đang công tác, làm việc trong các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Họ là những tấm gương sáng thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang hàng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống nhưng hết sức bình dị, đời thường, bằng những công việc, hành động thầm lặng vì cộng đồng. Đó là những con người ngày đêm chăm lo phần mộ các anh hùng, liệt sĩ, tình nguyện tìm kiếm thông tin liệt sĩ; đó là người khuyết tật nhưng tự vươn lên và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác; những người âm thầm cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân phong, hủi suốt 30 năm qua; những người bị nhiễm HIV/AIDS vượt qua số phận, tuyên truyền, động viên những người bị nhiễm khác và tạo việc làm cho họ; người lái xe cứu thương ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ đưa đón bệnh nhân. Đó còn là người hiến đất làm Trung tâm Bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế; những người hiến máu nhiều lần nhất đất nước để góp phần cứu mạng sống con người; những nhà hảo tâm, thiện nguyện hết lòng vì cộng đồng, vì xã hội.

Lễ tuyên dương được tổ chức nhằm động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, đồng thời tạo những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 2 cá nhân là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung

Tại Lễ tuyên dương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam; Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 2 cá nhân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Viết thêm những câu chuyện đẹp cho cuộc đời 

Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của người Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, làm nên sức mạnh to lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vừa qua, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và những mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung do thiên tai, bão lũ, truyền thống ấy lại được đồng bào và chiến sĩ cả nước thắp sáng bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều hành động dũng cảm, và bằng cả sự hi sinh cao cả của những người lính trong thời bình, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì đồng bào. 

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ tuyên dương

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Nước biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành với người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Phó Chủ tịch Nước hoan nghênh Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sáng kiến tổ chức Lễ tuyên dương hết sức ý nghĩa này và chúc mừng các tập thể, cá nhân được vinh danh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống và nhà ở của người có công, cũng như các đối có hoàn cảnh khó khăn. Mức trợ cấp xã hội thường xuyên tăng lên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cấp, sửa chữa các cơ sở trợ giúp xã hội, các nghĩa trang liệt sĩ và đặc biệt là vận động nguồn lực to lớn từ cộng đồng, các nhà hảo tâm chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật tại cộng đồng, chăm lo tốt hơn cho các đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần ổn định và duy trì tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nước cũng nêu rõ, hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều đối tượng cần trợ giúp với 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều đối tượng yếu thế khác. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội. Theo Phó Chủ tịch Nước, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm ưu tiên bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, có giải pháp quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở kết hợp ba nguồn Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng khó khăn tự vươn lên.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng to lớn trong Nhân dân, tạo ra phong trào thiện nguyện mạnh mẽ, liên tục, toàn diện. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và các phần quỹ vì cộng đồng khác để có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn cuộc sống của người có công với cách mạng cũng như của các gia đình, cá nhân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch Nước nhấn mạnh yêu cầu kịp thời tôn vinh, biển dương sự ủng hộ, đóng góp quý báu cũng như sự hy sinh, giúp đỡ bằng sức người, sức của của mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho cộng đồng trên mọi lĩnh vực, mọi đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Bởi đây chính là những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, những điển hình tích cực trong công tác xã hội, để xã hội ngày càng có nhiều câu chuyện đẹp, nhiều tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Nước cũng đề nghị các cơ quan truyền thông và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lan tỏa trong toàn xã hội, như lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Đây cũng chính là sự thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc, mà đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phạm Thúy