Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021)

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam - Logic và phát triển

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 07:05 - Chia sẻ
Suốt thế kỷ XX, đặc biệt khi càng tiến sâu vào thế kỷ XXI, một tất yếu, một nhu cầu càng trở nên khách quan, thường trực đối với sự phát triển của Việt Nam là cần và phải đẩy tới một cách mạnh mẽ, vững chắc cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là quy luật, là khát vọng, là phương án phát triển duy nhất đúng của xã hội Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tiến trình lựa chọn khắc nghiệt của lịch sử

Bất cứ quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại, phát triển và nhịp bước cùng thời đại, đều phải có tư tưởng của mình hoặc phải chọn lấy một tư tưởng thích hợp với mình. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ, sự lựa chọn ấy chỉ được coi là đúng đắn, hợp quy luật khi một mặt phải bắt nguồn sâu xa từ thực tế đất nước, từ ước vọng tha thiết của Nhân dân; và mặt khác, phải phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, xu thế vận động tất yếu của nhân loại tiến bộ.

Sự lựa chọn mục tiêu phát triển của Việt Nam, xét từ mọi góc độ, không nằm ngoài tất yếu ấy. Đây là một tiến trình lựa chọn đầy khắc nghiệt của lịch sử. Những năm đầu thế kỷ XX, câu hỏi về vận mệnh của dân tộc vẫn treo trước nhiều thế hệ người Việt Nam như một thách thức sinh tử. Đã bao nhiêu phong trào yêu nước thuộc đủ ý thức hệ phong kiến, tư sản nhằm tìm câu trả lời, song rốt cuộc, tất cả đều không vượt qua nổi giới hạn chật hẹp của chính nó, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đành chịu bất lực. Việt Nam vẫn chìm đắm trong cuộc khủng hoảng về đường lối phát triển của mình. 

Những năm 20 của thế kỷ XX, với những biến động long trời lở đất, đặc biệt với Cách mạng Tháng Mười Nga “rung chuyển thế giới”, đã làm cho tính chất thời đại thay đổi, giai cấp trung tâm của thời đại thay đổi, vai trò lãnh đạo cách mạng cũng thay đổi, vì vậy con đường để giải quyết mâu thuẫn của xã hội, lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng cũng thay đổi. Toàn bộ tình hình lúc đó của thế giới, bằng nhiều con đường, dội vào và thấm sâu trong mảnh đất Việt Nam - nơi mà chính “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi; chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa xã hội. Ở Người, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã “bắt gặp” chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đã chung đúc nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Với kỳ công của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam và là một tất yếu, năm 1930, lịch sử đã sản sinh ra Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Vừa mới ra đời, Đảng tuyên bố: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Lời tuyên bố ấy cũng đồng nghĩa với lời bác bỏ thẳng thừng những con đường mà dân tộc ta đang gánh chịu, đó là chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản; và nhìn rộng hơn, cũng bác bỏ bất cứ chủ nghĩa nào khác, bất cứ con đường nào khác.

Một cách tự nhiên là, ngay sau lời tuyên bố ấy của Đảng thì chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thực sự thúc đẩy lịch sử chuyển mình, trước hết là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đẫm máu, là con đường dân tộc Việt Nam đã và đang đi từ đó dọc thế kỷ XX. Bởi, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”; “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. 

Rõ ràng, sự lựa chọn mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta, xét về logic là một tất yếu khách quan; xét về lịch sử là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; và xét về nhu cầu, là hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của Nhân dân lao động Việt Nam. 

Định hướng xã hội chủ nghĩa - phương án phát triển duy nhất đúng

C. Mác viết: Lịch sử bắt đầu từ đâu thì tiến trình tư tưởng cũng cần được bắt đầu từ đó. Kinh nghiệm lịch sử xác nhận: Không có cái đích thì cũng không thể rõ định hướng, không có cái chuẩn để quy tụ mọi sự vận động.

Do đó, xét logic hình thức, nếu chủ nghĩa xã hội là mục tiêu tất yếu thì hiển nhiên là, tất yếu định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chỉnh thể hữu cơ của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình xác định những giới hạn, những “độ” tồn tại lịch sử của chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ điểm xuất phát tới mục tiêu cuối cùng, mà nếu vượt ra ngoài những giới, những “độ” ấy có thể và tất yếu xuất hiện một chế độ xã hội khác với chủ nghĩa xã hội, thì thực chất của toàn bộ quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa là, hoạch định một hành lang hoạt động cho phép trên cơ sở thực tế và những quy luật khách quan, với những tiêu chí xác định, thông qua một cơ chế thích hợp xuyên suốt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ điểm xuất phát tới đích cuối cùng nhằm đạt hiệu quả mong muốn. Do đó, việc định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu và cần luôn được xem xét, bổ sung và hoàn chỉnh không ngừng. 

Đối tượng nhận thức của định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ dừng lại ở tiền đề mục tiêu, mà bao hàm nhận thức tất cả các tính quy luật, bản chất của chủ nghĩa xã hội quy định toàn bộ sự vận động của xã hội Việt Nam hướng tới mục tiêu được thể hiện thông qua con đường, phương thức, bước đi và hệ giải pháp theo những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, xét về logic biện chứng, định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu. 

Xét về mặt tư tưởng lý luận, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử, nên quá trình nhận thức và tổ chức xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ hết sức khó khăn, lâu dài, thậm chí cả những bất trắc, thất bại tạm thời. Do đó, nếu không có lý luận mác-xít soi đường, chúng ta không thể nào đi tới đích được; và mặt khác, không có sự ra đời của tương lai xã hội chủ nghĩa từ trong lịch sử và hôm nay thì cũng không thực sự có định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, sự thống nhất về nhận thức, sự đồng tâm về tư tưởng, sự tỉnh táo và đúng đắn trong xử lý các cảnh huống có ý nghĩa hết sức to lớn, thậm chí có vai trò quyết định. Đặc biệt, khắc phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát, vô chính phủ, nhất là chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng, là vấn đề vừa mang tầm chiến lược vừa có tính cấp bách. Vì vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, rõ ràng không thể không bao hàm định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Tầm cỡ, quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, trong bối cảnh thời đại hiện nay, đòi hỏi nghiêm ngặt phải “... giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Hơn nữa, cho dù xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa có phát triển đến đâu đi nữa, thì vẫn còn đó cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, dù dưới hình thức này hay khác. Và chúng ta có “mở cửa”, “hội nhập” thế giới đến đâu đi nữa thì trong điều kiện phức tạp ấy, phải có nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc tối cao là bảo vệ triệt để lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Không thể có “hội nhập”, không thể có “mở cửa” đúng đắn nếu không bảo vệ được độc lập, chủ quyền quốc gia, không giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc, là nhu cầu nội tại của tiến trình phát triển đất nước, mà còn quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Bởi, nếu xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn tới “những lệch lạc trong chủ trương chính sách và chỉ đạo thực tiễn, sẽ đưa tới nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, và như thế “sẽ phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. 

Rõ ràng, định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, một nhu cầu, phương án phát triển duy nhất đúng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay.  

Hội tụ điều kiện để thực hiện bước nhảy vọt lịch sử

Một vấn đề lâu nay chưa được đề cập thỏa đáng là, tiến trình đi tới chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hướng tới mục tiêu kép rất đặc thù là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng thực hiện một nhiệm vụ kép rất đặc thù là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tức là, Việt Nam thực hiện một bước quá độ kép lên chủ nghĩa xã hội: quá độ từ tình trạng lạc hậu và từ chế độ dân chủ nhân dân - một thực tế lịch sử chưa đặt ra đối với C. Mác và cả V. I. Lênin. Đây là sự nhảy vọt từ chế độ người bóc lột người sang chế độ con người làm chủ vận mệnh của mình mà các nhà sáng lập học thuyết Mác - Lênin đã tiên đoán. Một bước nhảy vọt như vậy, nhất là ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta những năm đầu thế kỷ XX, là một điều rất mới lạ, chưa từng có trong lịch sử loài người, trước đây không mấy người dám nghĩ tới. Điều đó càng đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính Chung - phổ biến với tính Riêng - đặc thù của các nguyên lý, các quy luật cách mạng, vận dụng và phát triển nó một cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Cho nên, bước quá độ đặc thù trong đặc thù, gián tiếp của gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội đó của Việt Nam đã không thể không in dấu ấn đậm nét, thậm chí chi phối nhịp đi, tốc độ cũng rất đặc thù của con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.  

Việt Nam hội tụ đủ tất cả các điều kiện để thực hiện một bước nhảy vọt lịch sử như vậy. Đó là biện chứng của lịch sử, hoàn toàn hợp với quy luật tiến hóa của xã hội loài người - tức là vẫn nằm trong “quá trình lịch sử tự nhiên” của nhân loại. Và trên thực tế, Trung Quốc, Cu Ba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên... cũng đã xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo con đường này. 

Chúng ta đã tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta dù khủng hoảng những năm 90 của thế kỷ XX nhưng không sụp đổ. Với xã hội thuộc địa - tiền tư bản chủ nghĩa thì tư tưởng cách mạng không ngừng biểu hiện thành công thức phát triển dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội, trong đó thống nhất 4 nội dung cơ bản: dân tộc, dân chủ, hiện đại và chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà C. Mác chưa có kiến giải đầy đủ về lý luận. Chúng ta đã tự giải quyết điều đặc thù ấy một cách sáng tạo: Đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội, từ bỏ quan điểm bảo thủ, giáo điều về chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình mới, cách thức mới. Thực tiễn 35 năm Đổi mới vừa qua với những thành tựu to lớn đã đạt được, "đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" đã xác nhận tính tất yếu và đúng đắn của con đường mà chúng ta lựa chọn.     

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản