Chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc được nêu bật tại Davos

- Thứ Tư, 27/01/2021, 01:16 - Chia sẻ
Trong bài phát biểu dài 25 phút tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 25.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước duy trì các quy tắc quốc tế và tiếp tục “cam kết cởi mở và hội nhập” để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

“Các vấn đề mà thế giới đang đối mặt rất khó lường và phức tạp. Cách duy nhất để chúng ta vượt qua là thông qua chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại”, ông Tập Cận Bình phát biểu.

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc xuất hiện tại Davos, sau bài phát biểu năm 2017 khi ông ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa thương mại tự do và bảo vệ lợi ích của toàn cầu hóa. Các cuộc họp hàng năm của WEF thường diễn ra tại khu nghỉ mát trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ, nhưng năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến vì diễn biến phức tạp của đại dịch. Bài phát biểu năm nay của ông Tập Cận Bình có thể lặp lại các chủ đề tương tự từ bài phát biểu năm 2017 nhưng hoàn cảnh giờ đây có sự khác biệt rõ rệt.

Bất chấp căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington trong năm qua, vị thế kinh tế của Trung Quốc dường như đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất không bị rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, tăng trưởng 2,3%, trong khi kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro dự kiến ​​giảm lần lượt 3,6% và 7,4%. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã nâng tỷ trọng GDP toàn cầu của nước này lên 16,8% so với 14,2% năm 2016 (nền kinh tế Mỹ chiếm 22,2% GDP toàn cầu năm ngoái). Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay, đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong gần 10 năm.

Bài phát biểu của ông Tập đã vạch ra một loạt nhiệm vụ chính để tiến lên phía trước. Đầu tiên, ông kêu gọi các nước đón nhận chủ nghĩa cởi mở và đa phương. Một phần trong nhiệm vụ đó là thúc đẩy vai trò của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 - “diễn đàn hàng đầu về quản trị kinh tế toàn cầu” theo cách nói của ông Tập Cận Bình - để điều phối chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp và các quy tắc quốc tế. “Quản trị quốc tế cần dựa trên các quy tắc và sự đồng thuận đạt được giữa chúng ta, chứ không phải theo mệnh lệnh của một hoặc một số”. Ông Tập Cận Bình cũng thúc đẩy cam kết tham vấn nhiều hơn, bảo đảm quyền bình đẳng trong phát triển và cải cách mạnh mẽ hơn hệ thống quản trị toàn cầu hiện có.

Ông kết luận bằng cách nêu rõ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như những thách thức lâu dài hơn đối với sự phát triển, từ tính bền vững, công nghệ và đổi mới. Ông Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội trước WEF để kêu gọi việc cung cấp hỗ trợ cho hơn 150 quốc gia và 13 tổ chức quốc tế, đồng thời hợp tác sản xuất vaccine Covid-19 giá cả phải chăng cho các nước đang phát triển.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể không tiết lộ hướng đi mới cho hoạt động đối ngoại của đất nước, nhưng nó nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn kiên quyết đi đầu kêu gọi các nước phát triển và đang phát triển hợp tác nhiều hơn trong khuôn khổ đa phương, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Q.Đạt Theo The Diplomat