Chủ động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 04:54 - Chia sẻ
Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai này, Chính phủ thẳng thắn nhận định: “bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh để chấm dứt tình trạng này, tránh để “việc bé xé ra to”.

Tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm mà đây cũng là cơ hội để người được giao nhiệm vụ này hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó thấy được đâu là những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật cũng như vướng mắc trong quá trình thực thi. Từ đó có những chấn chỉnh hoặc có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân. Do đó, sẽ rất khó để nói rằng thực sự hiểu dân, thực sự thấy được bức xúc của người dân nếu như người đứng đầu cố tình “né” việc tiếp dân, hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo không “đến nơi đến chốn”.  

Cùng với đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có không ít sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Theo phân tích kết quả giải quyết khiếu nại lần hai cho thấy có 15,4% quyết định giải quyết lần đầu phải sửa đổi hoặc hủy bỏ; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 10,4% tố cáo tiếp là đúng và 30,1% tố cáo tiếp có đúng, có sai. Dù chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, nhưng việc tiếp công dân không đúng quy định, giải quyết khiếu nại, tố cáo có những sai sót gây ra nhiều hệ lụy. Đó là những vướng mắc không được xử lý kịp thời, thuyết phục ngay từ cơ sở sẽ gây nên những bức xúc không đáng có trong nhân dân. Nếu những bức xúc này không được đối thoại, giải quyết kịp thời sẽ tạo nên những điểm nóng, gây bất ổn xã hội. Và điều quan trọng là giảm niềm tin của người dân vào người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Thực tế công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua là vấn đề được người dân quan tâm. Một số nơi công tác này gây bức xúc xã hội. Xuất phát một phần từ thực tế đó, từ Phiên họp thứ Hai (tháng 8.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ báo cáo, thảo luận tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Và để tạo chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”. Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế chính sách pháp luật, nhưng ở nơi nào, người đứng đầu quan tâm công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại với người dân thì ở đó không phát sinh điểm nóng trong khiếu nại, tố cáo, không có những vụ việc tồn đọng, kéo dài. Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề này được cử tri và dư luận rất đồng tình ủng hộ. Giám sát này nhằm đánh giá toàn diện khách quan việc thực hiện của Chính phủ, bộ ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính và tư pháp. Qua đó, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, trên cơ sở giám sát sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các cơ quan, cá nhân có vi phạm.

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nếu làm tốt sẽ góp phần an dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, rất cần chế tài xử lý trách nhiệm đủ mạnh đối với người còn “bỏ lửng” thực hiện nhiệm vụ này. Việc này nếu làm không tốt hậu quả sẽ khôn lường, bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: chỉ cần một vài nơi buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm với dân thì mất hết uy tín. "Cái sảy nảy cái ung", một việc nhỏ không giải quyết kịp thời sẽ thành việc lớn, việc lớn mà không giải quyết kịp thời thành đại sự.

Hà An