Chủ động phòng tránh để thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Bảy, 20/04/2013, 09:04 - Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng, trong phòng chống biến đổi khí hậu (BđKH), chủ động phòng tránh để thích ứng là biện pháp quan trọng nhất nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Trong đó, việc xây dựng kịch bản về BĐKH đồng thời kết hợp hài hòa các biện pháp công trình và phi công trình sẽ đem tới những hiệu quả tích cực.

Sử dụng kịch bản phù hợp

Trên thực tế việc lượng hóa những con số thiệt hại do tác động của BđKH không hề dễ dàng, song dựa trên những nghiên cứu khoa học và tình hình thực tiễn có thể khẳng định nó đã và đang gây thiệt hại to lớn với tốc độ ngày càng nhanh. Trước thực tế đó, việc đưa ra kịch bản cụ thể cho Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng nhằm đánh giá tác động của BĐKH, phục vụ cho công tác xây dựng và triển khai hành động của các bộ, ngành, địa phương.

Mới đây, Bộ TN-MT đã công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012 trên cơ sở bổ sung dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu cũng như phương pháp tính toán nhằm đưa ra những số liệu cụ thể cho từng khu vực ven biển nước ta. Theo đó, kịch bản này bao gồm: kịch bản phác thải thấp, trung bình và cao được xây dựng dựa trên các yếu tố như mức tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa trung bình mùa và năm; các cực trị khí hậu và mực nước biển dâng cho các khu vực ven biển. Đưa ra kịch bản cụ thể trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần không nhỏ vào việc chủ động phòng chống thiệt hại do BĐKH gây ra tuy nhiên, việc sử dụng kịch bản cần được xem xét và lựa chọn cho phù hợp. Bởi thực tế mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có tính đặc thù riêng, mang lại những hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường khác nhau cũng như tính bền vững, tính khả thi và khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển cũng không giống nhau.

“Những công trình mang tính tạm thời thì nên sử dụng kịch bản thấp còn những công trình trọng điểm có thể áp dụng mức an toàn tối đa. Hay đơn cử như các khu nghỉ dưỡng ven biển có tuổi thọ khoảng 30 năm thì việc áp dụng kịch bản đến năm 2100 sẽ không khả thi” - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Trần Thục nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH cần có phân kỳ thực hiện, xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguồn lực của từng địa phương có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp. Được biết, theo kế hoạch Ban liên chính phủ về BĐKH sẽ công bố kịch bản toàn cầu và khu vực trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 vào cuối năm 2014. Do đó, kịch bản của Việt Nam sẽ tiếp tục được cập nhật vào năm 2015.

Hài hòa mọi giải pháp

Bên cạnh việc đưa ra một kịch bản về BĐKH và nước biển dâng nhằm dự báo những tác động của thời tiết, khí hậu thì việc áp dụng hài hòa mọi giải pháp trên thực tiễn nhằm phòng ngừa hậu quả tiêu cực cũng đóng vai trò then chốt. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng, nước ta dường như chưa quan tâm nhiều tới việc nâng cao nhận thức, đề phòng rủi ro mà chỉ chú tâm vào các giải pháp công trình. Thực tế cho thấy, ứng phó với BĐKH cần hai giải pháp quan trọng, không thể thiếu là công trình và phi công trình (bao gồm nâng cao nhận thức, phương pháp phòng tránh cũng như đề phòng rủi ro, bảo hiểm). “Nếu không có BĐKH thì cũng phải phòng tránh thiên tai mà biện pháp công trình góp phần quan trọng bảo vệ mạng sống, tài sản của người dân do vậy cần phải ưu tiên làm trước để tránh thiệt hại lớn về sau” - Ts Trần Thục nói.

Mặc dù ưu tiên xây dựng các công trình nhằm hạn chế những rủi ro từ thiên tai nhưng trong công cuộc chống BĐKH, việc kết hợp hài hòa mọi biện pháp trong đó nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân cũng cần được đề cao. Tuy nhiên, theo ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH: “Hiện tại chỉ mới có 45 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch hành động về BĐKH. Đây là vấn đề mới, khó và có tính liên ngành cao do vậy các địa phương ít chịu ảnh hưởng của BĐKH vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc đánh giá tác động cũng như ban hành kế hoạch hành động cụ thể đối với địa phương mình”.

Hơn nữa, dự án trồng rừng ngập mặn đã được một số địa phương ven biển thí điểm trồng mới, phục hồi và chăm sóc nhưng phần đông nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của bức tường thiên nhiên này còn chưa thực sự triệt để. Đó cũng chính là căn nguyên khiến không ít hộ dân trong vùng rừng đệm và vùng lõi vì sinh kế mà phá rừng, làm thay đổi cảnh quan, điều kiện tự nhiên môi trường. Thực tế đó đòi hỏi phải đưa ra những giải pháp kinh tế để người dân có thể sống dựa vào rừng ngập mặn từ đó đẩy mạnh việc chăm sóc và phục hồi nhằm tăng khả năng phòng hộ đê biển, chống xâm thực và điều hòa khí hậu.

Rõ ràng, ứng phó với BĐKH không thể chỉ áp dụng riêng biệt biện pháp công trình mà việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, đồng thời nâng cao nhận thức, phát triển nguồn lực cũng là yếu tố quan trọng góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do sự biến đổi cực đoan của thời tiết gây ra.

Đỗ Quyên