Chủ động nhập cuộc, nắm bắt thời cơ kinh tế số

- Thứ Năm, 30/09/2021, 08:36 - Chia sẻ
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra những xáo trộn lớn trong các hoạt động kinh tế và thói quen của người dân nhưng cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Khẳng định điều này, tại Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19” do Ủy ban Đối ngoại tổ chức, các đại biểu đề nghị, các cơ quan nhà nước cần chủ động nhập cuộc, nâng cao năng lực thể chế nhằm nắm bắt thời cơ mà kinh tế số mang lại.
	Chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Trần Thị Lan Hương phát biểu tại toạ đàm
Chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Trần Thị Lan Hương phát biểu tại toạ đàm
Ảnh: T.Chi

Chính sách công chậm bắt kịp xu thế công nghệ

Chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Trần Thị Lan Hương cho biết, kết quả của các nghiên cứu và khảo sát của WB cho thấy, trước tác động của đại dịch Covid-19, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đã thực sự chuyển mình trong nền kinh tế số. Cụ thể, tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động trên nền tảng internet, thương mại điện tử đã tăng từ 77% năm 2019 lên 88% vào năm 2020. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong phương thức sản xuất kinh doanh cũng tăng lên.

Theo kết quả khảo sát nhanh của WB năm 2020, có khoảng 47 - 48% số doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho biết có ứng dụng công nghệ số và thay đổi phương thức hoạt động nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19; đến đầu năm 2021, tỷ lệ này tăng lên khoảng 75%. Cũng theo khảo sát của WB, trong 2 năm qua, trên 2.800 dịch vụ công được tích hợp trong cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia ở Việt Nam. Số lượt truy cập và giao dịch trên cổng dịch vụ dịch vụ công trực tuyến quốc gia cũng tăng trưởng ấn tượng, từ 11.000 lượt vào tháng 1.2020 lên 116.000 lượt vào tháng 2.2021.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan Hương, việc thích ứng với chuyển đổi công nghệ giữa các nhóm chủ thể gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước không đồng đều. Trong đó, người dân là nhóm thích ứng nhanh hơn cả với sự thay đổi của công nghệ. Nhiều chính sách và cơ quan của Nhà nước luôn đi chậm, đi sau các nhóm người dân, doanh nghiệp trong bắt kịp xu thế công nghệ. Chính phủ cũng đã có nỗ lực trong khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia nhưng các nỗ lực còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, tích hợp nhằm tạo ra giá trị gia tăng từ dữ liệu. Để xây dựng và phát triển nền kinh tế số đòi hỏi cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cũng như sự tham gia của người dân trong hệ thống dữ liệu quốc gia.

Tăng cường khả năng làm chủ công nghệ

Trên bản đồ kinh tế số của khu vực, Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển, với nền kinh tế số dự báo tăng trưởng tới 43 tỷ USD vào năm 2025. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể đối với việc khai thác sức mạnh công nghệ kỹ thuật số và bảo đảm tính bao trùm trong phát triển kinh tế số.

Chuyên gia của WB cho biết, Việt Nam có hạ tầng kết nối internet và nền tảng số tương đối tốt với mức độ bao phủ tốt, giá cả phải chăng nhưng tốc độ và chất lượng đường truyền dữ liệu còn tương đối chậm. Năng lực quản lý, ban hành cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về công nghệ số, chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt kỹ năng làm chủ công nghệ số chưa tốt so với các quốc gia khác. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nhưng việc bảo mật thông tin cá nhân chưa được quan tâm thích đáng.

Nêu những hạn chế này, bà Trần Thị Lan Hương đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, Việt Nam cần quan tâm đầu tư vào yếu tố nền móng là: Con người, thể chế và công nghệ. Để nắm bắt cơ hội mà kinh tế số mang lại, theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần đầu tư để nâng cao năng lực số cho cơ quan nhà nước, xã hội, doanh nghiệp; nâng cấp, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tận dụng năng lực tư nhân trong đẩy mạnh số hóa... Nhà nước cũng cần đầu tư vào các yếu tố tuyến đầu, mang tính đột phá gồm 4 yếu tố: Kết nối, làm chủ, đổi mới, sáng tạo và bảo vệ.

Cụ thể là tăng cường khả năng và chất lượng kết nối đường truyền dữ liệu nhằm tạo thuận tiện cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, sử dụng dữ liệu; tăng cường khả năng làm chủ thông tin, công nghệ qua các quy định, khung chính sách cập nhật để bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nâng cao bảo vệ (gồm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo mật thông tin cá nhân). Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cho dữ liệu và dữ liệu lớn (big data), tạo cơ chế cùng thu thập, chia sẻ, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giữa các chủ thể nhằm tạo ra các giá trị gia tăng từ dữ liệu và sử dụng dữ liệu để phục vụ lại cho công tác hoạch định chính sách về phát triển kinh tế số.

Thu hút sự tham gia của khoảng 40 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức trong và ngoài nước về kinh tế số, Tọa đàm "Kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19" là dịp để các chuyên gia, đại diện các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi về tổng quan thực trạng kinh tế số ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi số và khuyến nghị các giải pháp nhằm phát triển kinh tế số.

Đánh giá cao những thông tin bổ ích và những kiến nghị thẳng thắn của các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, tọa đàm nhằm giúp cơ quan của Quốc hội cập nhật thông tin, tham vấn ý kiến các chuyên gia, học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế số. Cách làm này thể hiện sự nhập cuộc trách nhiệm, chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập pháp, góp phần hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nhấn mạnh, “thông qua cách làm này, chúng tôi muốn khẳng định cam kết Việt Nam sẵn sàng hội nhập một cách bình đẳng với kinh tế quốc tế”. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn chủ động đồng hành với quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bày tỏ mong muốn, các chuyên gia và các tổ chức trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới.

Nhật An