Chủ động, linh hoạt trong điều hành

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:36 - Chia sẻ
Theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được thông qua tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV thì tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 khoảng 4%. Thế nhưng khi CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước - mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây đã dấy lên một số ý kiến lo ngại.

Thực tế, ngay từ đầu năm, những yếu tố tiêu cực có thể tác động đến CPI đã được "nhận diện". Đó là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, nhiều nước đã sản xuất được vaccine; hoạt động sản xuất, thương mại trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới được khôi phục. Bên cạnh đó là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh... dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống, sinh hoạt của người dân nước ta. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như năm 2021 dự kiến sẽ điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhưng không điều chỉnh tăng giá trong năm 2020...

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những yếu tố tích cực có thể tác động đến mức tăng  CPI. Đó là tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19 nên có thể mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo rằng, dù dịch Covid-19 có những tác động bất lợi kéo dài nhưng nền kinh tế nước ta dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước được bình thường hóa. Những hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với năm 2020...

Với mức tăng CPI tháng 2, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do các yếu tố khách quan như giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi vậy, dù mức tăng này là cao nhưng chưa thực sự đáng lo ngại. Vấn đề ở chỗ từ nay đến cuối năm, việc quản lý, điều hành sẽ như thế nào để có thể vừa phục hồi, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng, vừa kiềm chế chỉ số CPI theo mục tiêu nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Để thực hiện được điều này, nhiều giải pháp, khuyến nghị đã được đưa ra. Cụ thể, cần tập trung theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, có tính mùa vụ để hạn chế tăng giá. Bên cạnh đó, cần chủ động dự báo, tính toán xây dựng kịch bản và điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng, thiết yếu...

Việc kiểm soát CPI ở mức hợp lý chưa bao giờ là dễ dàng và thuần túy chỉ những yếu tố thuận lợi mà bao giờ cũng đan xen những khó khăn, thách thức. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy, vấn đề đặt ra với công tác quản lý, điều hành là phải chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hài hòa các mục tiêu tăng trưởng chung, tuyệt đối không chủ quan.

Ninh Hà