Chủ động đối phó với các rủi ro vĩ mô

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 05:18 - Chia sẻ
Sau gần 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ với nội dung đặc biệt quan trọng là chuyển từ trạng thái phòng chống dịch sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh đã đem lại những "quả ngọt" đầu tiên, không chỉ về kinh tế mà cả về tâm lý xã hội.

Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, IIP ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%.

Là việc đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD. Cụ thể, ước tính tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%. Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu...

Ngoài ra, trong tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng so với tháng trước cả về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động. Tính chung 11 tháng, cả nước có hơn 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.455 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động đăng ký là hơn 784 nghìn lao động. Bên cạnh đó, có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên hơn 146 nghìn doanh nghiệp. Tính bình quân mỗi tháng có gần hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Một tín hiệu tích cực nữa là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì ổn định; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Những kết quả này cho thấy tính đúng đắn trong việc chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh cũng như hiệu quả của Nghị quyết 128 với nền kinh tế và sinh kế của người dân. Thế nhưng, trong những tháng cuối năm và trong năm tiếp theo, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi đã xuất hiện biến chủng mới omicron đòi hỏi cả hệ thống chính trị cũng như doanh nghiệp, người dân phải nỗ lực hơn nữa, kiên định hơn nữa với việc mở cửa với những giải pháp đột phá, quyết liệt nhằm xử lý các tình huống đã, đang và có thể phát sinh nhằm đạt được các kết quả vững chắc, tạo tiền đề cho năm sau và cho cả giai đoạn. Cụ thể, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng. Chủ động đối phó với những rủi ro vĩ mô như thâm hụt ngân sách, nợ công và lạm phát cao hơn. Đặc biệt, cần tạo dựng sự đồng thuận, quyết tâm của toàn xã hội, tận dụng tối đa và hiệu quả kinh nghiệm phòng, chống dịch.

Nước ta đã có những nền tảng quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định; có năng lực hấp dẫn, thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính. Là ý chí chính trị cao cùng các chương trình cải cách đã được đặt ra. Bởi vậy, điều còn lại là cần hành động để xử lý các tình huống có thể phát sinh.

Ninh Hà