Chủ động, bình tĩnh và linh hoạt

- Thứ Năm, 24/12/2020, 08:05 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 hồi cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là không thể tránh, chỉ có thể hạn chế. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi...

Còn theo dự báo mới đây của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, năm 2021 sẽ là năm hạn mặn cao vì vậy cần chủ động các biện pháp tích trữ nước ngay từ bây giờ khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đồng thời chủ động các biện pháp tích trữ nước bảo vệ các vườn cây và nước sinh hoạt để giảm thiểu thiệt hại...

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, hiện nay, lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 - 2021; nguồn nước về vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 12 thấp hơn so với trung bình nhưng cao hơn so với năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Bên cạnh đó, năm 2020 khu vực thượng nguồn thiếu hụt tổng lượng mưa so với trung bình nhiều năm khoảng 10 - 20%, mưa ở hạ lưu vực giảm dẫn đến dòng chảy về đồng bằng có thể giảm nên xu hướng mặn tăng dần trong tháng 12 và các tháng đầu mùa khô...

Với những dự báo này, rõ ràng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và để giải quyết cần phải có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Cụ thể, như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải hình thành ý thức, kể cả chủ trương, biện pháp cũng như những giải pháp khoa học - công nghệ để triển khai, hạn chế thấp nhất hạn mặn. Quan điểm trong Nghị quyết số 120/NQ-CP - Nghị quyết “thuận thiên” cũng đã nêu các nguyên tắc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và nhấn mạnh rằng cần sống, sinh hoạt, thích nghi với điều kiện, môi trường mới, đồng thời bảo đảm sản xuất...

Tại Tọa đàm 3 năm thực hiện Nghị quyết "thuận thiên": Biến thách thức thành cơ hội phát triển diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cũng khẳng định, với phương châm này, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm "thuận thiên" đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019 - 2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh, ví dụ thiệt hại về diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015 - 2016.

Thực tế, tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định chiến lược, chương trình, dự án chuyển đổi quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng, biến đổi khí hậu nói chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực đã được tháo gỡ... Tuy nhiên, để có thể ứng phó hiệu quả, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, điều quan trọng nữa là phải nâng cao nhận thức để người dân chủ động, bình tĩnh, linh hoạt thích ứng.

Linh Trang