“Chốt chặn” vì môi trường

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:19 - Chia sẻ
Sau hơn 4 năm xảy ra sự cố môi trường Formosa, 510.000 người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp đã ổn định đời sống, khôi phục lao động, sản xuất. Thậm chí với nhiều người, vì bận rộn mưu sinh, câu chuyện đã dần rơi vào quên lãng, giống như cách người ta quên vụ Vedan “bức tử” sông Thị Vải trước đó. Bởi giấc mơ công nghiệp hóa, mà nhiều tiêu chí về môi trường sống an toàn sẵn sàng bị tạm quên.

500 triệu USD tiền đền bù của Formosa cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng chỉ phần nào vơi bớt khó khăn chứ không thể tạo nên sự thay đổi cuộc sống bền vững cho những nạn nhân vốn coi biển là nguồn sống, càng chắc chắn sẽ không đủ làm sống lại môi trường biển miền Trung. Cũng như việc Vedan bồi thường 220 tỷ đồng cho nông dân 3 tỉnh năm 2008, nhưng sau đó nhiều năm, nông dân vẫn không thể nuôi tôm, cua ở dọc bờ sông bởi “có nuôi thì cũng thua lỗ nặng”, còn con sông Thị Vải thì mãi nhọc nhằn không thể hồi sinh.

Ngay sau vụ việc Formosa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - lúc đó vừa nhậm chức - đã nhận định rằng “qua vụ việc Formosa, có thể thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mang tính chất chung chung quá. Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp được đầu tư”. Bởi Formosa có nguồn thải lớn nhưng không đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước phê duyệt đầu tư. Rõ ràng, nếu không xử lý không tốt mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, bỏ qua đánh giá tác động môi trường hoặc thực hiện không sát, thì những bài học kinh nghiệm trên sẽ “rút” mãi không hết. Và những mất mát, hư hao sẽ tiếp tục lớn gấp nhiều lần so với nguồn thu từ dự án mang lại, hậu quả và hệ lụy lâu dài, không thể lượng hóa được.

Chính vì lẽ ấy, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là một trong những dự án luật nhận được quan tâm rất lớn từ đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước trong Kỳ họp thứ Mười này. Theo chương trình, ngày 17.11, dự thảo luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua, ngay trước khi Quốc hội bế mạc - chậm hơn 1 tuần so với chương trình dự kiến ban đầu. Lý do được cơ quan thẩm tra giải thích là để có thêm thời gian hoàn thiện, bổ sung dự luật. Đây là sự thận trọng cần thiết, trong bối cảnh năng lực ứng phó, xử lý, phòng ngừa và quản lý nhà nước về môi trường để bảo đảm phát triển bền vững còn bất cập so với yêu cầu đặt ra.

Một trong những sửa đổi có tính căn bản lần này, đó là dự thảo Luật thay đổi phương thức quản lý theo tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư. Cụ thể, dự luật chia các dự án đầu tư thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ; ít có nguy cơ; không có nguy cơ. Việc phân chia theo mức độ rủi ro này sẽ sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở các mức độ khác nhau. Trừ các dự án thuộc nhóm 1, các dự án khác sẽ không phải đánh giá sơ bộ ĐTM, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí cho chủ đầu tư. Đồng thời, không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.

Đặc biệt, lần đầu tiên, công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo ĐTM sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên liên quan và công khai danh tính hội đồng thẩm định. Việc công khai này sẽ ràng buộc trách nhiệm từng cá nhân cụ thể, cũng là một cách để huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

“Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “bảo đảm mọi người đều có quyền được sống trong môi trường trong lành” - đó là hai điểm quan trọng trong Tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được gửi tới Quốc hội. Dẫu bất cứ quốc gia nào cũng cần nhà máy, khu công nghiệp để phát triển, nhưng tăng trưởng làm sao để mọi thứ tốt đẹp hơn lại là lựa chọn, dù khó khăn vẫn vạn lần đáng giá.

Chi An