Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 11:31 - Chia sẻ
Rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vừa qua.

Kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, đến nay có 70 luật, 188 nghị định, 131 thông tư cần sửa đổi. Trên cơ sở rà soát, các cơ quan trong phạm vi trách nhiệm của mình cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật này để sớm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, gỡ được các nút thắt cho phát triển kinh tế, xã hội. Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi này, đặt gánh nặng trách nhiệm rất lớn lên vai cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, cũng như cơ quan thẩm định, thẩm tra các văn bản này. 

Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận được nỗ lực của các bộ, ngành trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng mức, chưa xác định được việc đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác này. Công tác xây dựng thể chế quan trọng nhưng thực tế đã từng xảy ra tình trạng, có bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng, còn ở địa phương chỉ phân công phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phụ trách công tác này. Chính sự thiếu quan tâm và đầu tư xứng tầm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến những văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định bất hợp lý ngay trong dự thảo văn bản. Dù không nhiều, song vẫn còn để lọt những “hạt sạn” đáng tiếc ngay cả khi văn bản được ban hành.

Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật có lúc vẫn còn “có vấn đề”. Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo số 310/BC-CP của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29.11.2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Pháp luật đã chỉ rõ, tham gia, góp ý trong công tác xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành, đặc biệt là các nội dung có liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành có lúc còn mang yếu tố cục bộ, lợi ích của bộ, ngành mình dẫn tới công tác phối hợp có lúc còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, mất nhiều thời gian, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản liên tịch.

Cũng từ lợi ích bộ, ngành, nhiều người lo ngại về tình trạng “tham nhũng chính sách” nếu như cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cố tình tìm cách "cài cắm" lợi ích của bộ, ngành mình vào trong các quy định mà không được cơ quan thẩm định, thẩm tra gác chặn trước khi được trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, xem xét thông qua.

Để nói “không” với văn bản có cài cắm lợi ích, rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật. Bởi, sự liêm chính sẽ giúp xây dựng được văn bản khách quan, không chồng chéo, không có lợi ích xung đột với nhân nhân. Muốn làm được điều này, đòi hỏi mỗi bộ, ngành khi được giao chủ trì soạn thảo phải hướng tới sự phát triển chung. Người đứng đầu bộ, ngành trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật. Cùng với đó, cơ quan thẩm định, thẩm tra phải kiên quyết bác những văn bản kém chất lượng, có quy định cài cắm lợi ích.

Việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có quy định “lỗi thời” là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc rà soát, sửa đổi bổ sung đó phải thực sự tháo gỡ những “nút thắt”, rào cản trong các quy định để tạo động lực cho sự phát triển. Tránh tình trạng chỉ chăm chăm sửa đổi, bổ sung những quy định có lợi cho bộ, ngành mình. Bởi như Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Khóa XIV Nguyễn Mai Bộ đã từng nhấn mạnh: pháp luật không phải công cụ thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nếu có sự liêm chính sẽ không quy định lợi ích thô thiển của một số bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành được giao soạn thảo.

Hà An