Chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ

- Thứ Hai, 01/02/2021, 22:46 - Chia sẻ
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Những người có quyền, có chức, lại nắm trong tay tiền của thì rất dễ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cuộc chống tham nhũng là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm. Chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo sáng nay (ngày 1.2), ngay sau phiên bế mạc Đại hội XIII cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, của người đứng đầu Đảng, Nhà nước trong công cuộc đẩy lùi tham nhũng.
Kỳ V: Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp nào?
Kiên quyết chống tham nhũng. Ảnh minh họa

Tham nhũng là vấn đề nhức nhối của xã hội, đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tham nhũng gây ra những hậu quả, tác hại hết sức to lớn trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, phá vỡ những chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho nhà nước và người dân. Tệ tham nhũng có mặt ở mọi tổ chức nhà nước, tùy vào mức độ kiểm soát quyền lực, mà dẫn đến mức độ hậu quả của tham nhũng khác nhau.

Nhận diện rõ mối nguy hại của tham nhũng, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Trong giai đoạn này, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong đó, có một Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang... Đây là những nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh với tham nhũng được cử tri, nhân dân và dư luận đánh giá cao. 

Tinh thần quyết tâm chống tham nhũng tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết cũng nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Tham nhũng là hậu quả của tha hóa quyền lực. Do đó, muốn chống được tham nhũng phải chống được tha hóa quyền lực. Muốn vậy, quyền lực cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Xây dựng cơ chế để người có chức, có quyền không dám, không thể và không muốn tham nhũng.

Xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua của chúng ta vừa thể hiện kiên quyết, nghiêm khắc cứng rắn nhưng cũng mang tính nhân văn. Kết quả này đã tạo niềm tin rất lớn của Nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta. Có thể nói, công cụ pháp lý để xử lý tham nhũng của chúng ta hiện không thiếu, đủ mạnh để răn đe. Tuy vậy, cần khẳng định rằng, chống tham nhũng là một cuộc chiến rất khó khăn, thử thách. Để chống được tham nhũng thì người chống tham nhũng phải “sạch”, phải “liêm”, tuyệt đối không được “nhúng chàm” và phải biết nói “không” với cám dỗ. Bởi, Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chống tham nhũng mà không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.

Hà An