Chống dịch không thể vội vàng

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 05:27 - Chia sẻ
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến thể phức tạp là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay đã khiến nhiều địa phương thực sự lúng túng bởi không thể đem toàn bộ những kinh nghiệm trước đây ra để áp dụng. Những lúng túng ấy không thể tránh khỏi, rất đáng được thông cảm và chia sẻ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh căng thẳng như vậy, các địa phương càng cần bình tĩnh và sáng suốt, người dân đồng tình với những quy định thắt chặt hơn nhưng cần nhuần nhuyễn và thống nhất trong cách làm.

Tại Đà Nẵng, trong chưa đầy một tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở cấp độ cao, chính quyền đã nhiều lần thay đổi mẫu “Giấy đi đường” khiến cả người dân lẫn các cơ quan, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là công đoạn xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân là do các đơn vị tham mưu mẫu giấy này chưa hình dung được hoạt động của các doanh nghiệp nên nhiều bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Đà Nẵng đã 3 lần thay đổi mẫu giấy đi đường với mục đích lần sau yêu cầu chặt chẽ hơn lần trước. Với những cơ sở hàng nghìn người lao động, doanh nghiệp phải in đi, in lại hàng chục nghìn tờ giấy chỉ cách nhau 3, 4 ngày. Xong lại trình danh sách kèm theo, cùng với phương án phòng chống dịch… Hàng nghìn doanh nghiệp phải xếp hàng dài ở các ban quản lý khu công nghiệp hoặc chính quyền cơ sở để xin đóng dấu. Dù bản thân chính quyền xã phường hoặc ban quản lý các khu công nghiệp cũng không thể nào nắm được số lao động đang làm việc tại cơ sở sản xuất.

Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong ngày 3.8, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 3 văn bản liên quan đến việc cung cấp dược phẩm điều trị Covid-19. Đáng nói, văn bản sau là để thay đổi, thu hồi văn bản trước. Cả 3 văn bản của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đều được đóng dấu “khẩn” và đều do một vị Phó giám đốc ký.

Văn bản thứ nhất đề nghị các đơn vị y tế mua gấp một số thuốc có liệt kê rõ ràng của nhà cung ứng là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2. Văn bản thứ hai đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ điều trị của Bộ Y tế; hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên. Và văn bản thứ ba thu hồi 2 văn bản trên bởi “một số nội dung chưa phù hợp”. Người dân không thể không băn khoăn, việc ban hành rồi thu rồi trong vòng 1 ngày như vậy làm sao bảo đảm uy tín chuyên môn của một đơn vị đang giữ trọng trách tuyến đầu chống dịch?

Cần Thơ cũng có văn bản thông báo về việc các tổ chức, cá nhân trong diện tiêm phòng vaccine Covid-19 cần đăng ký trực tiếp tại nơi cư trú và thu hồi ngay sau đó một ngày. Nguyên nhân được Sở Y tế lý giải là do tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn đang phức tạp, việc thông báo rộng rãi để người dân đến đăng ký tại UBND xã, phường là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, hiện thành phố vẫn đang tiêm phòng vaccine cho đối tượng ưu tiên, nghĩa là chưa có đủ nguồn cung để triển khai tiêm rộng rãi cho toàn dân nên việc để người dân đăng ký tiêm phòng vaccine vào thời điểm này chưa hợp lý.

Việc thiếu nhất quán trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ban hành các văn bản vội vàng rồi phải thu hồi khiến người dân, doanh nghiệp rối và không khỏi hoài nghi. Nó cho thấy sự cẩu thả, rất ẩu trong thực thi công vụ, soạn thảo, ban hành văn bản hành chính. Không truy vết, không xử lý đúng mực những người tham mưu và ban hành văn bản thì không chỉ công cuộc phòng chống dịch Covid-19 phải gánh thêm những phức tạp mà còn làm “mất điểm” rất nhiều trong mắt người dân.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết giữa các cơ quan, địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhằm hạn chế những vướng mắc, lúng túng của các địa phương trong phòng chống dịch. Ngoài ra, vai trò của các chuyên gia cần được lắng nghe để đưa ra những đánh giá thực trạng chính xác hơn và thực hiện những giải pháp tích cực hơn.

Chi An