Chống dịch bằng kỷ luật thép

- Thứ Bảy, 22/05/2021, 06:17 - Chia sẻ
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả nước đang căng mình để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng. Vậy nhưng, thời gian qua, đã có không ít trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly tập trung, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Một số chính quyền cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong ngăn chặn tụ tập đông người, khiến dịch diễn biến khó lường hơn.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ.

Trong một lần gặp gỡ báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, chúng ta vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, như đi trên sợi dây, phải cân bằng; sự vô ý thức của một người có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn, hàng vạn người và thiệt hại vật chất hàng chục, hàng trăm tỷ đồng hoặc hơn thế nữa…

Rõ ràng, khi việc chống dịch được coi như chống giặc, thì kỷ luật thời chiến phải được áp dụng; cá nhân, tổ chức nào vi phạm các nguyên tắc phòng chống dịch, cũng có nghĩa là đã tiếp tay cho "giặc Covid-19". Đến đợt dịch thứ 4 này, không còn lý do gì để biện minh cho những hành động thiếu ý thức cũng như thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, cho xã hội. Những hình phạt nhẹ được áp dụng đợt đầu như khiển trách, cảnh cáo do người dân chưa hiểu biết, chưa nhận thức sâu sắc về dịch bệnh, đã nhường chỗ cho những biện pháp mạnh tay, cứng rắn, từ đình chỉ công tác tới xử lý vi phạm hành chính, thậm chí khởi tố hình sự.

Đó là Hà Nam đã tạm đình chỉ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân và Trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý để xem xét, làm rõ trách nhiệm trong việc để dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn. Đồng Nai, liên quan đến việc 3 đối tượng Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan… Việc xử phạt nghiêm người không đeo khẩu trang nơi công cộng cũng đã được thực hiện trên toàn quốc, chỉ riêng Hà Nội trong hơn 10 ngày, số tiền phạt đã lên tới hơn 3 tỷ đồng. Rõ ràng, kỷ luật thép trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam đứng vững trên trận địa chống dịch.

Suy cho cùng, xử lý vi phạm là việc cực chẳng đã, nhưng không thể không làm, để loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh". Hơn lúc nào hết, người đứng đầu địa phương phải quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, có quyết sách đúng đắn, kịp thời; khi phát hiện sự việc phải xử lý quyết liệt, nhanh chóng, vừa đủ sức răn đe, vừa tạo hiệu ứng xã hội. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; làm lây lan dịch bệnh cũng rất quan trọng. Bởi, nhận thức về pháp luật của nhiều bộ phận người dân còn hạn chế, việc tuyên truyền phổ biến kiến thức giúp nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của người dân trong phòng, chống dịch.

Việc Chính phủ đổi mới cách tiếp cận, chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chủ yếu, đòi hỏi mỗi cá nhân không chỉ là tấm khiên chống dịch mà còn là mũi nhọn tấn công dịch bệnh. Suy rộng ra, sự tấn công đó không chỉ là tấn công trực diện với virus mà còn tấn công cả những trường hợp chấp hành không nghiêm quy định phòng, chống dịch. Do đó, cùng với việc xử lý, cần để cao hơn nữa vai trò giám sát, để mỗi người dân như một người lính, ngoài tuân thủ 5K, còn phải bao quát, nhận diện xung quanh, kịp thời ứng phó. Đơn cử như trong quá trình đi lại, công tác, sinh sống tại địa phương, khi phát hiện có người lạ, hoặc người có dấu hiệu vi phạm phòng, chống dịch, cần chủ động báo cho cơ quan thẩm quyền địa phương. Những động thái ấy, nhằm bảo đảm sự nghiêm minh, thể hiện tính kỷ cương kỷ luật, góp phần giúp công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. 

Đỗ Quyên