Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Chọn nhân sự cấp chiến lược bằng tiêu chuẩn, tiêu chí

- Thứ Năm, 20/08/2020, 05:12 - Chia sẻ

“Chọn nhân sự, lựa nhân tài” là những vấn đề thuộc công tác cán bộ. Mà công tác cán bộ thì Đảng, Bác đã nói rất đầy đủ và sâu sắc. Đảng nói từ khi thành lập Đảng cho tới nay, gần đây nhất là Văn kiện Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 7 cùng một số quy định cụ thể trong nhiệm kỳ này. Bác nói từ năm 1925 đến năm 1969, tập trung nhất là trong tác phẩm Hồ Chí Minh về Vấn đề cán bộ, xuất bản năm 1975 và trong Di chúc của Người.

Vấn đề còn lại là thực thi như thế nào trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đối với các chức danh cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước và đoàn thể?

So với hơn 60 triệu người trong độ tuổi lao động và 2 triệu lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của cả nước thì số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý không nhiều, cả ở Trung ương và địa phương cũng chỉ tới con số nghìn người. Nếu lựa chọn đúng đắn thì đây là “tinh hoa” của đất nước, của dân tộc.

Đầu năm nay, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã có văn bản số 214 quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chuẩn chức danhtiêu chí đánh giá đội ngũ cán bộ này(1). Về tiêu chuẩn thì có tiêu chuẩn chung cho tất cả chức danh và có tiêu chuẩn riêng cho 20 nhóm chức danh khác nhau (trong đó có cả nhóm chức danh đặc thù khi luân chuyển, điều động cán bộ). Lựa chọn cán bộ thuộc diện này phải căn cứ chủ yếu vào các quy định của 214. Trước hết có thể vận dụng phương pháp lựa chọn theo tiêu chuẩn và tiêu chí then chốt nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Phương pháp lựa chọn này cũng có thể gọi là phương pháp loại trừ. Trong tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ có 2 tiêu chuẩn và tiêu chí hàng đầu, then chốt nhất. Xem xét vào hai tiêu chuẩn đó và đánh giá qua tiêu chí thực hiện tiêu chuẩn, nếu một trong hai tiêu chuẩn không đạt là có thể loại trừ.

Thứ nhất, xem xét tiêu chuẩn tư tưởng chính trị: Tiêu chuẩn này có đoạn quy định, “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng”. Tiêu chuẩn chính trị tư tưởng có 4 tiêu chí để xem xét đánh giá mà nội dung cơ bản là chấp hành nghiêm túc có hiệu quả đường lối, chính sách; lập trường vững vàng, kiên định; đặt lợi ích quốc gia-dân tộc, tập thể lên trên; tích cực nghiên cứu, tham gia đầy đủ sinh hoạt chính trị (học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng).

Trong quá trình xem xét, nếu ai đó có phát ngôn, có bài viết, có những biểu hiện không tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, coi nhẹ tư tưởng Hồ Chí Minh thì ngay tức khắc phải đưa ra ngoài quy hoạch, thậm chí còn bị kỷ luật nặng. Nếu có hành vi thể hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì còn phải xem xét có còn đủ tư cách đảng viên nữa không.

Nhớ lại thời gian trước và sau khi Liên xô, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ (1991), Đảng ta đã đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng đối với những ai phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi đó một số người đã nói và viết: Khoa học đã có bước tiến dài, do đó không có lý do gì để tin vào các học thuyết đã ra đời từ lâu, đã lùi vào dĩ vãng (ám chỉ học thuyết của Mác ra đời giữa thế kỷ XIX và học thuyết của Lênin phát triển học thuyết Mác đầu thế kỷ XX). Rồi họ lại “khuyên”, chúng ta phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, cái đầu của dân tộc mình, thời đại mình đang sống, chứ không phải suy nghĩ bằng cái đầu của người đã chết cách đây năm, sáu chục năm (ám chỉ Lênin), thậm chí những cái đầu đã chết hàng trăm năm (ám chỉ Mác và Ănghen)...

Các nhà lý luận của Đảng ta đã trả lời rất đanh thép rằng: Tất cả các kiến thức đúng đắn của nhân loại, dù chúng được sáng tạo từ thời kỳ nào, thì loài người vẫn đang sử dụng cùng với những hiểu biết mới nhất của ngày hôm nay. Hình học Euclid có từ trước công nguyên mà nay vẫn được sử dụng cùng với các hình học phi Euclid khác. Không ai lại nói là phải vứt bỏ định luật Acsimet, định luật Newton chỉ vì các ông ấy khám phá ra nó đã quá lâu rồi. Lịch sử phát triển của tư duy, trí tuệ của loài người đã cho chúng ta thấy, có những cái đầu vĩ đại, cách xa chúng ta cả nghìn năm, mà tư tưởng của họ vẫn mãi mãi cổ vũ cho sự suy nghĩ của các thế hệ tiếp sau. Đồng thời lại cũng có những cái đầu đang sống nhưng tầm thường, sai lạc, không đóng góp được gì cho sự tiến bộ của xã hội. Tuyệt nhiên không có cái đầu nào đoạn tuyệt với quá khứ, với lịch sử phát triển của trí tuệ và bắt đầu từ số không (0) mà lại trở thành vĩ đại được cả(2)...

Đảng ta đã rất nghiêm khắc, tại Hội nghị Trung ương 8, Khóa VI (tháng 3.1990), Hội nghị đã quyết nghị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra khỏi Ban Bí thư, đưa ra khỏi Bộ Chính trị một lãnh đạo cấp cao vì đã kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nhắc lại vài sự kiện trên để thấy rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng vô cùng quan trọng, là thước đo đối với mỗi đảng viên, nếu vi phạm là không thể chấp nhận, đối với cán bộ cấp chiến lược càng không thể chấp nhận. Bởi ngay từ năm 1925 khi viết phần đầu tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác đã khẳng định, phải  “Giữ chủ nghĩa cho vững(3).

Thứ hai, xem xét tiêu chuẩn đạo đức, lối sống: Tiêu chuẩn này có điểm quy định, “Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi... cửa quyền, trục lợi...”. Tiêu chuẩn này cũng có 4 tiêu chí để đánh giá cán bộ mà nội dung cốt lõi là: Có lối sống trung thực, chân thành, trong sáng; đoàn kết, xây dựng, gương mẫu; không trục lợi, cũng không để người thân, người quen lợi dụng mình để trục lợi...

Chỉ cần vướng vào một tội là tham nhũng cũng đủ điều kiện để không đưa người đó vào diện quy hoạch, hoặc phế truất người đã được quy hoạch, người đang nắm giữ một chức vụ trong bộ máy công quyền. Bởi, từ Đại hội giữa nhiệm kỳ Khóa VII (tháng1.1994), Đảng ta đã chỉ rõ 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tham nhũng, quan liêu; thì 12 năm sau (năm 2006), khi tổng kết 20 năm công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận định, “Nguy cơ tham nhũng, quan liêu đã nổi lên như một mối đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(4). Đến Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII (tháng 10.2016), Đảng ta lại nhấn mạnh, “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Mắc vào tham nhũng-loại trọng tội thì cơ cấu vào lãnh đạo, quản lý làm sao được? Bởi vậy, cách xử lý của Đảng và Nhà nước như hiện nay là đúng đắn, nghiêm minh, đó là hễ phạm tội tham nhũng là phải xử lý, nếu nghiêm trọng là phải khởi tố, đưa ngay ra khỏi bộ máy quản lý, lãnh đạo, bất cứ người đó giữ chức vụ nào, cao đến đâu.

Nay khi lựa chọn nhân sự vào bộ máy, phải chú ý ít nhất 2 điều. Một là, do sự “khôn khéo” tài ngụy trang, khéo che giấu của không ít người trong diện nên người làm “công tác con người” phải có con mắt tinh đời, “nhất cử, nhất động” là có thể hiểu được việc gì sẽ xảy ra. (Lương thưởng chỉ có vậy, không có nguồn thu nhập hợp pháp khác, tại sao anh ta lại có năm, bảy nhà, vài chục thửa đất? Tại sao anh ấy lại thường xuyên chơi bời, ăn nhậu với các giám đốc, tổng giám đốc... có phải các doanh nghiệp “sân sau” được “chống lưng” không?...). Hai là, không chỉ ở cấp chiến lược, mà ngay ở cấp cơ sở, dù là tham nhũng “vặt” cũng không cơ cấu, lựa chọn nhân sự đó vào bộ máy. Nếu tham nhũng lớn ở các bộ, ngành, tỉnh, thành làm cho nhà “dột từ nóc dột xuống” thì tham nhũng “vặt” ở xã, phường làm cho nhà “bị ngập lụt, sụt lún từ nền móng trở lên” lại càng vô cùng nguy hiểm cho ngôi nhà... Nghĩa là, ở bất kỳ cấp nào, cứ vướng vào tham nhũng là phải gác lại, xử lý đã.

Như vậy, chỉ cần xem xét 1 trong 2 tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng (tư tưởng chính trị và có tham nhũng hay không) là đã có thể “kết luận” được có nên lựa chọn con người ấy vào bộ máy lãnh đạo, quản lý sắp tới hay không.

_____________

(1) Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2.1.2020 Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

(2) Nêu cao tính chiến đấu chống mọi hành động phá hoại về tư tưởng; Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội 1990, trang 23.

(3) Hồ Chí Minh Về vấn đề cán bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1975, trang 11.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương: Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006).

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội