Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp:

Chọn người tiêu biểu nhất

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 07:16 - Chia sẻ
Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến đối với người ứng cử… là giai đoạn hết sức quan trọng trong quy trình bầu cử nhằm bảo đảm hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng như lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử. Hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu nhất ra ứng cử.

Ba điểm mới trong quy trình hiệp thương

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, ngày 15.1.2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN, Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Nghị quyết liên tịch 09).

Theo đó, quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử lần này có ba điểm mới: Một là, quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Văn bản điều chỉnh được gửi ngay đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Hai là, danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Ba là, danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại Khoản 6, Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện, Nghị quyết liên tịch 09 đã nêu rõ thời gian, chủ thể triệu tập, chương trình, nội dung thảo luận, mẫu biên bản, hình thức biểu quyết… Nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố có điểm mới là: Trưởng ban Công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự 

Đối với việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Theo đó, hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống. Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác cũng quy định rõ: Số lượng cử tri tham dự ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có ít nhất 2/3 tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri, nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự. Yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú cũng nhấn mạnh tới số lượng cử tri tham dự nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự.

Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này còn có điểm mới nữa là trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử tổ kiểm phiếu từ 3 - 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

Cũng trong thời gian này, thực hiện việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chậm nhất là ngày 13.4.2021 phải được tiến hành xong.

Ngọc Khánh