Chọn nhân sự - lựa nhân tài

Chọn đúng người thực tài, dùng người đúng khả năng

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:37 - Chia sẻ
Để dùng đúng nhân tài, những người có quyền dùng người tài, những người cầm cân nảy mực trong việc cắt đặt tổ chức, trọng dụng con người nên tránh:

1. Không nhìn thấy hoặc thấy mà không nhận ra nhân tài

Vì, nhân tài thường giấu mình. Núi cao thường khuất ngọn, sông sâu thường lặng sóng. Nhìn mà không thấy nhân tài, do kém, không trách, thì nên tự đi làm việc khác, sẽ lợi hơn cho mình và cho quốc gia xã tắc. Thời nhà Lý từng nhắc nhở: Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, người giỏi thì nước trị, người xấu thì nước loạn, các bậc đế vương sở dĩ hưng nghiệp được là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là bởi dùng kẻ tiểu nhân. Thời Lê Thánh Tông, việc tuyển lựa quan xét xử càng trở nên nghiêm ngặt. Các quan chức đương nhiệm mà không cử được người giỏi thì cũng xử biếm hoặc phạt tiền. Chế độ quan lại thời phong kiến còn đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của các quan lại trong thừa hành công vụ. Quốc triều Hình luật có nhiều quy định trừng trị nghiêm khắc, như: Phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ, quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hằng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hằng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hằng năm) xử tội lưu; đối với quan lại tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức, nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội biếm hoặc phạt tiền. Đó chính là sự mẫu mực để thiết lập trật tự kỷ cương, bảo vệ chế độ phục vụ, trước hết đối với nhân tài.

Khi được giao bổn phận kén chọn nhân tài, mà chỉ có con mắt hạt đậu, lại kém tinh tế, khi người có thể cùng nói chuyện mà không nói, thế là bỏ lỡ người; người không thể bàn chuyện cùng mà lại nói, thế là uổng lời, thì thật càng đáng tội với người với việc, tuy nhỏ, thì cũng nên thôi, đừng làm công việc đụng chạm tới con người, chứ chưa nói tới việc chiêu hiền đãi sĩ hay trọng dụng hiền tài.

Chính việc dùng người đúng khả năng, chọn đúng người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng, nhà Trần, ở giai đoạn cường thịnh, đã không để sót nhân tài, càng không cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành, và hiếm ai là bậc thực tài mà trở nên bất đắc chí...   

Ban “Chiếu cầu hiền”, Lê Lợi nghiêm khắc: "Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã..."; và, ông vô cùng khoáng đạt trong việc mở lượng cầu hiền: "Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng"...

Thưởng phạt phân minh được như thế, hỏi rằng, ai không mở lòng, dốc sức, huống chi những bậc nhân tài?

2. Biết là hiền tài mà không dùng

Kinh nghiệm xác tín, nhân tài có thể mời được, nhưng không dụ dỗ được; bỏ được, nhưng không khinh được. Không thành tín thì không thể gặp, chứ chưa nói tới việc trọng dụng được nhân tài. Xem lại thư của người anh hùng Nguyễn Huệ lẫy lừng chiến công mời La Sơn Phu Tử ra giúp nước, với lời lẽ nhún nhường: "Quả đức sinh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông... đạo trị dân đã để có nhiều điều làm cứng cỏi, phiền nhiễu. Tuy là tội ở những người ấy, nhưng kỳ thật là giúp việc chửa, là tội quả đức chưa biết cầu hiền", mới thấy được không chỉ tấm lòng quang minh lỗi lạc mà cả tầm nhìn của một bậc quân vương quả là vượt thời đại.

Dụng nhân như dụng mộc. Như thế, càng không thể đem lòng tỵ hiềm, mang cái tiểu kỷ, nhất là lấy sự ghen ghét mà đối đãi với nhân tài. Chớ vì một vài chỗ mục mà bỏ cả cây lớn. Nhất là đối với người có tài đức to, thì đừng xăm soi, chê bai những nết nhỏ mọn; đối với người có danh dự lớn, thì đừng chỉ trích những lỗi cỏn con. Vào thời Trần, biết Trần Quốc Tuấn có mối thù tư gia với triều đình, nhưng vua Trần vẫn tin tưởng giao cho ông trọng trách đánh giặc giữ nước, giữ vị trí Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân, bởi ông là bậc “anh tài kiệt xuất”. Và, triều Trần cũng không thành kiến với lầm lỗi hay quá khứ của người tài. Nguyễn Trung Ngạn, Trần Thì Kiến, Trần Khánh Dư từng bị giáng chức vì phạm lỗi lầm, nhưng vì các vua Trần “tiếc có tài năng” nên cuối cùng họ đều được phục chức và trọng dụng xứng đáng. 

Trái thế, chửa kịp dùng, nhân tài đã ngoảnh mặt quay lưng và tự bỏ đi. Xiết bao uổng phí!

Nhưng, trong việc trọng dụng nhân tài, sự lộng quyền, lạm quyền, cũng bị phạt. Và, đến lượt mình, không tự bỏ việc thì chắc chắn cũng chẳng được tin dùng, tất bị đào thải, và đắc tội với người, với xã tắc. Dưới triều Vua Lê Thánh Tông, bộ máy quan lại từ triều đình tới các huyện, tổng (cụm xã) được quy định thống nhất, nghiêm minh, không thêm bớt dù chỉ một chức quan nhỏ. “Nếu thừa một viên (quan) phạt (người đứng đầu) 60 trượng - gậy, biếm hai tư (hạ bậc 2 chức) hoặc bãi chức; thừa hai viên xử tội đồ và người đặt vào chức ấy bị phạt 50 roi”. Bộ Luật Hồng Đức thời Lê có gần 30 điều khoản quy định chế tài áp dụng cho các hành vi tham nhũng, trong đó các hình có quy định: “Những người quyền quý thế gia và các hoạn quan nội thần không được cầu cạnh nhờ cậy việc quân với các quan tướng hiệu, nếu trái thì quan nhất phẩm, nhị phẩm bị phạt hay biếm, quan tam phẩm, tứ phẩm thì bị cách chức hay bị đồ; quan ngũ phẩm, lục phẩm thì bị đồ hoặc lưu, quan thất phẩm trở xuống thì bị lưu hoặc tử hình. Quan tướng hiệu nhận lời thì bị tội đồ hoặc lưu. Không trừ một ai!

Ở triều Nguyễn, quan lại đặt ra có số nhất định, nếu bổ dụng hoặc đặt ra quá hạn định, hay không nên đặt không tâu xin mà tự đặt ra thừa 1 viên phải phạt 60 trượng, biếm 2 tư và bãi chức, thừa 2 viên trở lên thì xử tội đồ. Người xin vào chức đó phạt 50 roi, biếm 1 tư.  Nếu các quan có thân thuộc dự thi mà không Hồi tỵ đều phải phạt 80 trượng. Các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích, nếu phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền, thì đều phải tham hặc; đồng thời, còn giám sát cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước nhằm bảo đảm sự công bằng trong thi tuyển, lựa chọn được người hiền tài giúp nước.

Nhớ lại năm 1946, nhìn vào thành phần của Chính phủ lâm thời cũng như Chính phủ đầu tiên của nước nhà, do Hồ Chí Minh là Chủ tịch, đã tụ hội những nhân tài kiệt xuất của quốc gia. Trong chuyến đi Pháp hơn bốn tháng tiếp xúc với bà con người Việt Nam ở Pháp, một số trí thức lớn người Việt Nam ở nước ngoài đã theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước giúp sức... Thế mà sau này, Người vẫn thấy chưa đủ, phải tiếp tục "cầu hiền". Và, Người lại thân chinh viết thư mời các bậc đức cao vọng trọng về với Chính phủ; và chỉ ít năm sau bao bậc sĩ phu, hiền tài tụ hội dưới ngọn cờ cách mạng đông đúc như hội mở.

Biết hiền tài và tin dùng hiền tài chính là ở chỗ này!

TS. Nhị Lê Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản