Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai

Chỗ dựa vững chắc cho người lao động

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:48 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò giúp người lao động bù đắp một phần thu nhập, để ổn định cuộc sống. Song, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động, theo BHXH tỉnh Đồng Nai, cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách theo hướng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động gắn kết lâu dài và duy trì việc làm. Từ đó, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Người dân lấy số thứ tự chờ làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp
Nguồn: ITN

Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng

Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trợ cấp thất nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt khi góp phần bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động mất việc làm; giúp họ bảo đảm duy trì cuộc sống; đồng thời giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn có chế độ hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm… giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, nâng cao tay nghề và sớm quay trở lại thị trường lao động.

Theo đó, trong quý I.2021, Đồng Nai có 71.872 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền chi trả lên tới 318 tỷ đồng, tăng 17% về số người hưởng và tăng 59% về số tiền chi trả so với quý I.2020. Trước đó, trong năm 2020, toàn tỉnh có 291.063 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số chi gần 1.179 tỷ đồng, tăng 42,2% về số người hưởng và tăng 36,9% về số tiền so với năm 2019. Năm 2020 cũng là năm có mức tăng cao nhất tại Đồng Nai kể từ khi triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, phần lớn người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, làm việc trong các ngành nghề như dệt may, da giày… Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp vi phạm Nghị định số 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định số 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, số người lao động này có việc làm trở lại nhưng không thông báo dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I có 123 trường hợp bị thu hồi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 583 triệu đồng. Đến tháng 4, BHXH tỉnh đã thu hồi 383,5 triệu đồng của 76 người. Trong năm 2020 có 1.220 trường hợp bị thu hồi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 6,55 tỷ đồng thì đến nay đã thu hồi được 4,188 tỷ đồng của 761 người.

Đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thu hồi trợ cấp thất nghiệp do hưởng sai quy định do nhiều nguyên nhân. Trong đó, người lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không cao, một số trường hợp hiện tại không có việc làm nên không có điều kiện để nộp lại khoản tiền đã hưởng sai quy định. Cùng với đó, ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động còn hạn chế, các chế tài xử phạt chưa đầy đủ. Chưa kể, quy định về trách nhiệm thu hồi trợ cấp thất nghiệp cũng chưa rõ ràng; cơ quan BHXH khó liên hệ với người lao động do thay đổi nơi cư trú, thay đổi số điện thoại, đã đi nước ngoài hoặc…

Cần kết nối liên thông dữ liệu

Thời gian qua, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt trong việc rà soát, quản lý việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, khi có người gần đủ tuổi nghỉ hưu mà xin nghỉ việc sớm để nhận bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ chủ động phối hợp với bộ phận giải quyết chế độ hưu trí và bộ phận giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp để rà soát, xác định đúng thời điểm giải quyết chế độ hưu. 

Tuy nhiên, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cũng cho hay, phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động, thương binh và xã hội hiện chưa được kết nối với dữ liệu thu - chi bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH. Do đó, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chưa giảm bớt được các thủ tục hành chính và kiểm tra, giám sát; việc ban hành các quyết định chấm dứt, thu hồi và thực hiện các quyết định thu hồi còn chậm trễ.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động, Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, cần sớm kết nối liên thông dữ liệu giữa ngành BHXH và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giúp cho việc đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp được kiểm tra, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, qua đó hạn chế được tình trạng chi sai quy định. Đồng thời, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động gắn kết lâu dài và duy trì việc làm; hạn chế dịch chuyển lao động, nhanh chóng đưa người lao động thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải gắn chặt chẽ với chính sách thị trường lao động như các chương trình việc làm, đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động nhằm giúp người lao động thất nghiệp sớm có cơ hội tìm việc làm mới.

Nhật Phương