Thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa

Chờ đến bao giờ?

- Thứ Tư, 23/06/2021, 05:53 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa rất cần thiết vì nhu cầu thực rất lớn, nhưng thời điểm này chưa nên tính đến để giúp các hãng bay trụ lại trong bối cảnh Covid-19 tác động nặng nề.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có hãng bay chuyên vận tải hảng hóa
Ảnh: Vũ Thủy

Chưa phải thời điểm thích hợp

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, nước ta chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng dù Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng 2030 (Quyết định 236/QĐ-TTg) đã đặt mục tiêu này. Do vậy, thị phần vận tải hàng hóa quốc tế rất nhỏ so với vận tải hành khách, chủ yếu tập trung vào các hãng hàng không nước ngoài.

Trước khi có dịch Covid-19, tổng lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển bằng đường hàng không của các hãng bay trong nước chỉ khoảng 12 - 15%, còn lại là các hãng hàng không nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Đức, Pháp…; gồm cả chở bằng tàu bay kết hợp hành khách với hàng và chở hàng riêng). Đối với vận tải hàng hóa trong nước, Vietnam Airlines chiếm trên 50%, còn lại là của các hãng khác.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng song các chuyến bay chở hàng vẫn duy trì bình thường. Trong bối cảnh đó, nhà chức trách hàng không các nước, bao gồm cả Cục Hàng không Việt Nam đã tạo thuận lợi, xây dựng quy trình cho phép các hãng bay kết hợp vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách. Giá vận chuyển hàng hóa cũng tăng 4 - 5 lần, từ 1,5 - 2 USD/kg lên khoảng 10 USD/kg. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các hãng có nguồn thu bù đắp phần nào thiệt hại do dịch gây ra.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc thành lập thêm hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa không thực sự hiệu quả và cần thiết vào thời điểm này. Thay vào đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các hãng hiện tại tận dụng vận chuyển kết hợp thị trường hành khách và hàng hóa trên cơ sở mạng đường bay, đội ngũ hậu cần, kỹ thuật sẵn có để duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường hàng không Việt Nam.

Việc thành lập hãng bay mới chuyên vận tải hàng hóa với quy mô 5 - 10 tàu bay vừa phát sinh đội tàu bay đậu lại tại các cảng hàng không vốn đang quá tải, vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nêu quan điểm về việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo - chuyên chở hàng hóa. Đây là dự án do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng với khoảng 115.000 tấn, sau đó lần lượt tăng lên 7 chiếc và 10 chiếc vào các năm tiếp theo.

Năm 2008 ghi nhận hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam chuyên chở hàng hóa được thành lập (Trai Thien Air Cargo). Tuy vậy, hãng này không có hoạt động nào và đã bị Cục Hàng không Việt Nam huỷ bỏ giấy phép kinh doanh năm 2011.

Trì hoãn là đánh mất cơ hội

Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam cũng có cơ sở. Bởi dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm mạnh 34,5 - 65,9%, doanh thu sụt giảm trung bình trên 61% so với năm 2019. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới giới hạn mất khả năng thanh toán. Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines dự kiến lỗ  10.000 tỷ đồng; VietJet ước tính thiếu hụt 10.000 tỷ đồng đề hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Nếu dịch được kiềm chế trong năm nay thì cũng phải chờ đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi.

Trái lại, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trì hoãn xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa là "tự đánh mất cơ hội". Ông phân tích, dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng nặng nề đến vận tải hành khách, không ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa, thậm chí còn đẩy nhu cầu này lên cao. “Chúng ta đã quá chậm khi nhiều năm nay chưa thành lập được hãng hàng không vận tải hàng hóa. Và giờ là thời cơ rất phù hợp để tính đến việc này, cần đẩy nhanh thay vì chờ hết dịch”.

Cũng theo ông Tống, lo ngại lập hãng hàng không này sẽ khiến các hãng hiện tại càng gặp khó khăn là không thực tế. “Các hãng bay đã chuyển đổi từ máy bay chở khách sang chở hàng hóa nhưng khi dịch được kiểm soát, họ sẽ quay trở lại chở khách như trước. Nếu không lo xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa khi đó để thị trường trống cho ai?”, ông Tống đặt vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp bổ sung, hiện chưa có cơ chế cụ thể của Chính phủ về thành lập riêng một hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa, chỉ có quy định về thành lập hãng hàng không được hiểu là vận tải hành khách và hàng hóa được xếp dưới bụng máy bay. Điều này khiến hạn chế về số lượng và trọng tải vì không nhận được lô hàng lớn.

“Chúng ta đang nhường miếng bánh rất lớn cho nước ngoài. Hệ quả nhãn tiền là khi họ tăng giá, chúng ta chỉ có cách phải chấp nhận”, ông Hiệp nói. Do vậy, đã đến lúc cần tính đến việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa với các quy định cụ thể, linh hoạt hơn so với hàng không vận tải hành khách, có cơ chế giám sát để tránh tình trạng lợi dụng.

Có thể thấy trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước, đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải (cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam) cần xem xét việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa một cách bài bản - bắt đầu từ hành lang pháp lý. Việc chúng ta chưa có hãng hàng không chuyên về mảng này trong khi hơn 80% thị phần rơi vào doanh nghiệp ngoại là điều rất đáng tiếc nếu không muốn nói là thua thiệt!

Vũ Thủy