Chờ đến bao giờ?

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:19 - Chia sẻ
Trước những lời gọi mời đầu tư tiền ảo có lãi suất cao, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đề nghị, người dân hết sức thận trọng; đồng thời khẳng định đầu tư tiền ảo, tài sản ảo là hoạt động ngoài luồng bởi chưa được pháp luật quy định.

Gần đây, nhóm Lion Group đã huy động vốn để đầu tư trong lĩnh vực ngoại hối tại sàn FX Trading Markets, với lãi suất cam kết lên tới 1% ngày, 288%/năm, theo phương thức đa cấp (4 cấp). Được biết, hiện FX Trading Markets đã có gần 40.000 người tham gia. Khoảng 1 tháng gần đây thì sàn này đã không cho nhà đầu tư rút tiền. Không chỉ FX Trading Markets, rất nhiều sàn kinh doanh ngoại hối với rất nhiều chiêu trò để thu hút người tham gia như Sàn giao dịch Rforex tại Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx tại Nghệ An...

Gần đây nhất, công an TP Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư. Công văn của công an TP Đà Nẵng nêu rõ: “Thực tế lợi nhuận, trả thưởng của Lion Group cam kết với nhà đầu tư bản chất là lấy tiền người sau trả người trước, khi không thu hút được nhà đầu tư mới, mạng lưới Lion Group sẽ sụp đổ vì không đủ tiền trả, nhà đầu tư mất toàn bộ tiền. Do hoạt động của Lion Group không tuân thủ quy định pháp luật, những rủi ro, nguy cơ phát sinh trong quá trình tham gia tổ chức Lion Group của người tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ, tiềm ẩn nguy cơ mất tiền, lộ dữ liệu cá nhân”.

Nếu như Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định tiền ảo không phải là một loại chứng khoán thì Ngân hàng Nhà nước cũng kết luận “tiền ảo hoàn toàn không phải là tiền điện tử”. Thực tế, đầu tư tiền ảo đã xuất hiện từ năm 2012 - 2013 và năm 2014 Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rất rõ ràng. Theo đó, tiền bitcoin hoặc một số loại tiền là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp; không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.

Hiện, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Liên quan đến vấn đề này, tháng 1.2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra; đồng thời Ủy ban cũng đã có Công văn số 4486/UBCK-GSĐC ngày 20.7.2018 đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Có thể thấy, tiền ảo, tài sản ảo đã xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2012, từ đó đến nay các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở những đề nghị, khuyến cáo hoặc ở đang tình trạng “phối hợp để làm rõ”. Trong khi đó những hệ lụy từ việc tổ chức, cá nhân đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo là thấy được, có thực và… không ảo. Bao giờ vấn đề này mới được giải quyết từ góc độ pháp lý?

Đình Khoa