Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp mở rộng cho ý kiến việc hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết

- Thứ Hai, 05/06/2023, 19:14 - Chia sẻ

Chiều 5.6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp mở rộng. 

Cuộc họp cho ý kiến với phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm này.

Tham dự có: đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp mở rộng cho ý kiến việc hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các đại biểu đã cho ý kiến về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nội dung đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ Năm về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Cho ý kiến với phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nội dung đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ Năm về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 có thể phần nào đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi, tác động kích cầu trong năm 2023 sẽ không thể rõ nét như trước. Do vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới chủ yếu hướng đến mục tiêu hỗ trợ một phần cho người dân và doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp mở rộng cho ý kiến việc hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết -0
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu

Một số ý kiến cũng lưu ý, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể và toàn diện tác động của chính sách trong 6 tháng cuối năm, chỉ dựa trên tác động của thực hiện chính sách này trong năm 2022 để đề xuất thực hiện trong thời gian tới. Việc đánh giá tác động của năm 2023 chủ yếu vào các tác động của giảm thuế, chưa đánh giá toàn diện về khả năng kích cầu thực tế trong thời gian tới để tác động trở lại với nền kinh tế và thu ngân sách.

Tuy nhiên, Chính phủ đã dự kiến thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, nộp ngân sách, điều hành chặt chẽ, tiết kiệm chi ngân sách để thực hiện sát với dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; đồng thời phấn đấu tăng thu để bù đắp khoản giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Do vậy, các ý kiến này tán thành với việc đưa nội dung tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến 31.12.2023 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ Năm, song, đề nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tác động của chính sách này, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá tại Kỳ họp thứ Sáu.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, bối cảnh tình hình hiện nay đã thay đổi, đòi hỏi Chính phủ phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về việc chuyển tiếp thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong các tháng cuối năm 2023, góp phần đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, đến với doanh nghiệp và người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, để cân nhắc thực hiện những đề xuất của đại biểu Quốc hội về mở rộng đối tượng áp dụng, tăng mức giảm thuế giá trị gia tăng và kéo dài thời gian áp dụng, Chính phủ cần xây dựng báo cáo đầy đủ và chi tiết, với những đánh giá định lượng về tác động đến cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Như vậy, Quốc hội sẽ có cơ sở vững chắc để xem xét quyết định tiếp tục thực hiện chính sách này trong thời gian tới.  

Các đại biểu cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết

Cho ý kiến với phương án tiếp thu, giải trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, một số đại biểu tán thành với phương án Quốc hội giao Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát danh mục dự án, bảo đảm thời hạn giải ngân vốn theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu Quốc hội giao.

Nhiều đại biểu cũng tán thành với việc thu hồi về dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn lượng vốn của những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đầu tư công. Mặt khác, những dự án này đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành thủ tục đầu tư sẽ khó có thể hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình về nội dung này; khẳng định, Thường trực Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Thanh Hải
#