Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

- Thứ Năm, 16/06/2022, 10:08 - Chia sẻ

Sáng 16.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong thực thi quyền tác giả

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, với 476/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Quang Khánh

Theo đó, về tác giả, đồng tác giả; quyền nhân thân, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, có ý kiến đề nghị Điều 12a cần quy định một số tiêu chí định lượng xác định “đồng tác giả”, như tỷ lệ thời gian người đó đóng góp tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 12a của dự thảo Luật đã quy định nhiều tiêu chí để xác định đồng tác giả, gồm tiêu chí về số lượng (từ 2 người trở lên), về tính chất (cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm), sự thống nhất ý chí (cùng chủ ý tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh tác phẩm); khoản 2 và khoản 3 Điều 12a đã quy định về trường hợp không phải là đồng tác giả và cơ chế thực hiện quyền nhân thân, quyền tài sản đối với các đồng tác giả để bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong quá trình thực thi quyền tác giả. Thực tiễn thi hành pháp luật cũng như tham khảo pháp luật các nước cho thấy, không có cơ sở để quy định tỷ lệ thời gian đóng góp để xác định đồng tác giả. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) -0
Đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Thuận bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b là bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Quy định tại Điều 198b của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa quy định tại Điều 12.55 của Hiệp định EVFTA. Điều này không giới hạn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian về bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí. Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại bằng tiền chỉ được quy định tại Điều 18.82 của CPTPP nhưng nội dung này đang tạm đình chỉ thực hiện. Vì vậy, để thuận lợi trong quá trình thực thi điều ước quốc tế, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, xin tiếp thu ý ĐBQH, chỉnh lý khoản 6 Điều 198b theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, bao gồm cả phạm vi miễn trừ, như thể hiện trong dự thảo Luật.

Tránh xung đột pháp lý, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp

Với 469/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), có ý kiến cho rằng hậu quả pháp lý của việc bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm là hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Đề nghị rà soát thống nhất, tránh xung đột pháp lý, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp trách nhiệm giữa các bên.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này, để tránh xung đột pháp luật, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm g khoản 1 Điều 25 theo hướng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định tại Điều 22 về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) -0
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 34 chỉ yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đề nghị làm rõ khi giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm như được cơ quan có thẩm quyền xác định không phải là cha, mẹ, con hoặc vợ, chồng ly thân, ly hôn thì hợp đồng bảo hiểm được giải quyết như thế nào? Đặc biệt là trường hợp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có được nhận tiền bảo hiểm hay không?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 2 Điều 34 yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm như được cơ quan có thẩm quyền xác định không phải là cha, mẹ, con hoặc vợ, chồng ly thân, ly hôn thì hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nhưng phải được chuyển giao theo quy định tại Điều 28. Trường hợp bên mua bảo hiểm không muốn tiếp tục duy trì hợp đồng thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật.

Minh Trang
#