Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV:

Thông qua 3 Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc

- Thứ Năm, 16/06/2022, 11:44 - Chia sẻ

Sáng nay, 16.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án  đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, với 467/468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thông qua 3 Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, về sự phù hợp với quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát Dự án bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030 cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự án được lập trên cơ sở xem xét sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai bao gồm các quy hoạch: mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng thời 5 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải; nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; bảo đảm tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cập nhập Dự án trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch.

Thông qua 3 Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc -0
Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ninh bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Phương thức đối tác công tư khó đáp ứng tính cấp thiết của Dự án

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được thông qua với 475/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Báo cáo Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư do khả thi về mặt tài chính, nhà đầu tư quan tâm để giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ, Dự án nhận được sự quan tâm của một liên danh nhà đầu tư đề nghị giao thực hiện Dự án. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với liên danh nhà đầu tư này để cung cấp thông tin chủ yếu, tính cấp thiết của Dự án, các quy định pháp luật triển khai theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, đánh giá sơ bộ tiến độ đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định (trình tự thủ tục về lựa chọn, đấu thầu nhà đầu tư, ký kết hợp đồng...) khó đáp ứng tính cấp thiết đầu tư của Dự án.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, đồng thời thực tế triển khai một số dự án BOT thời gian qua cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra và khó xác định được thời gian hoàn thành. Do đó, nếu triển khai theo phương thức đối tác công tư sẽ không bảo đảm được tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 để khai thác đồng bộ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển Cái Mép - Thị Vải và giải quyết tình trạng quá tải của các tuyến đường bộ hiện hữu. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công.

Bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ thực hiện theo quy mô 6 làn xe

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, có ý kiến đề nghị xem xét đầu tư quy mô 2 làn xe do nhu cầu vận tải thấp. Một số ý kiến cho rằng thiết kế với quy mô 4 làn xe (B=17m) bố trí điểm dừng xe khẩn cấp là không đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và nhu cầu vận tải, khó bảo đảm an toàn giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đầu tư quy mô 2 làn xe không đáp ứng được tiêu chuẩn đường cao tốc, sẽ phải sớm đầu tư mở rộng nên không hiệu quả về đầu tư. Vì vậy, Dự án đã đề xuất phân kỳ đầu tư quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 4 làn xe là phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn; dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành thông minh để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét Nghị quyết sẽ giao cho một địa phương làm đơn vị chủ trì để thực hiện hiệu quả hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Dự án; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần.

Minh Trang
#