Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội:

Sẽ đổi mới đào tạo nghề nghiệp khu vực nông thôn

- Thứ Ba, 06/06/2023, 10:04 - Chia sẻ

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến đào tạo nghề nghiệp ở nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, sắp tới sẽ đổi mới đào tạo ở khu vực này theo phương châm “chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, bố trí được công việc cao hơn, mang lại thu nhập cao hơn, tránh gặp đâu đào tạo đó, không có địa chỉ”.

Chỉ đào tạo khi dự báo được công việc

Sẽ đổi mới đào tạo nghề nghiệp khu vực nông thôn -0
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Hồ Long
Sẽ đổi mới đào tạo nghề nghiệp khu vực nông thôn -0
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến vấn đề chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, lao động đã qua đào tạo là yếu tố quan trọng tạo ra năng suất lao động. Tiêu chí đánh giá công nhận trình độ hiện nay chủ yếu trên văn bằng, chứng chỉ, nên chỉ số lao động qua đào tạo theo tỉ lệ % chưa cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận chưa qua trường lớp nhưng vẫn là người tạo ra năng suất lao động. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này? Có cần thiết xây dựng công cụ đánh giá trình độ của bộ phận lao động không? Nếu có, đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng như thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về việc đánh giá chất lượng lao động với các cơ quan liên quan; Chính phủ cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận. Theo Bộ trưởng, đào tạo có chứng chỉ mới là một yếu tố, điều quan trọng là tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả lao động. Nhiều người dù không có bằng cấp, chứng chỉ nhưng lại tinh thông nghề nghiệp, nên dù không qua trường lớp nhưng thi tay nghề chắc chắn đạt giải cao. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giao cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, có công cụ, tiêu chí đánh giá công nhận chứng chỉ nghề nghiệp thời gian tới.

Sẽ đổi mới đào tạo nghề nghiệp khu vực nông thôn -0
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk)Ảnh: Hồ Long

Nhìn ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu vấn đề: theo báo cáo năm 2022 cho thấy, tỷ lệ lực lượng lao động có chứng chỉ tăng không đáng kể so với năm 2021. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực ở thành thị. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này; có giải pháp nào để nâng tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn để tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở khu vực này có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề?

Thừa nhận thực tế đại biểu Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, lao động có chứng chỉ ở khu vực thành thị tăng nhanh hơn phản ánh đúng thực tiễn, vì sau đại dịch có một bộ phận lớn người lao động di chuyển về thành phố, trong đó phần đa không quay lại đơn vị cũ, phần nhiều sang đơn vị mới, công việc mới. Do sự dịch chuyển này nên đã gia tăng đào tạo công việc với những người quay trở lại đơn vị cũ, nhất là khi chuyển sang đơn vị mới, công việc mới.

Đối với vấn đề đào tạo lao động tại khu vực nông thôn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và xác định sắp tới sẽ đổi mới đào tạo nghề ở nông thôn theo phương châm mới “chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, bố trí được công việc cao hơn, mang lại thu nhập cao hơn, tránh gặp đâu đào tạo đó, không có địa chỉ”. Khẳng định, tiêu chí này được phản ánh trong ba chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đào tạo nghề ở khu vực nông thôn nói chung và trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. 

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập

Liên quan đến vấn đề này, tại Báo cáo về một số nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn gửi đến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, đến tháng 5.2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chiếm 64%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành trung ương chiếm 25%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương chiếm 75%.

Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận thấy, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cấp trình độ đào tạo. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; cơ cấu nghề đào tạo theo các ngành, nghề còn bất cập...

Thanh Hải
#