Rà soát, đánh giá đúng thực trạng giải ngân

- Thứ Năm, 01/06/2023, 17:45 - Chia sẻ

Tại phiên thảo luận chiều nay, 1.6, một số đại biểu kiến nghị, đối với các dự án đã được phân bổ vốn, cần phải rà soát, đánh giá đúng thực trạng giải ngân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn. Các dự án chưa đủ điều kiện phân bổ thì điều chuyển cho các dự án còn thiếu vốn, có khả năng hoàn thành và giải ngân trong năm 2023. 

Bám sát các Nghị quyết của Quốc hội để giao danh mục và mức vốn thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương

Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm -0
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Trong công tác phân bổ vốn, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) ghi nhận Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội để giao danh mục và mức vốn thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Đối với nguồn vốn chưa phân bổ, đã kịp thời chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến thực hiện trước khi thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tán thành với việc trình Quốc hội xem xét phân bổ vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, đây là những chương trình, dự án góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng tán thành giao Chính phủ giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư và cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư với dự án của tỉnh Ninh Thuận liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, không thực hiện phân số vốn còn lại là 509 tỷ đồng.

Bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm -2
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cơ bản nhất trí việc giao Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Đối với một số dự án trọng điểm, dự án liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của Nhà nước, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, đại biểu tán thành với kiến nghị của Chính phủ, đó là giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khi các dự án này hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn đòi hỏi phải dự báo được tăng trưởng kinh tế, nhu cầu nguồn lực, khả năng đáp ứng

Đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo được những bước chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống người dân, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân được nâng lên, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) cũng chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn và vướng mắc, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm hiệu quả các mục tiêu của chương trình.

Bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm -1
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu thực hiện việc giao thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở hoàn thiện kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng như rà soát và cân đối nguồn lực của địa phương để đối ứng, lồng ghép thực hiện theo quy định. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định hiện nay. Xem xét thống nhất chủ trương cho phép địa phương thực hiện điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án thuộc các chương trình để bảo đảm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Nhấn mạnh nơi có vốn thì không phân bổ hoặc giải ngân được, phải chuyển nguồn hoặc đưa vào dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nơi có nhu cầu, có khả năng giải ngân thì không có vốn, đại biểu Cầm Hà Chung nêu rõ, kế hoạch đầu tư công trung hạn đòi hỏi phải dự báo được các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, nhu cầu nguồn lực và khả năng đáp ứng. Đây là một thách thức trong xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn.

Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng này. Đối với các dự án đã được phân bổ vốn, cần phải rà soát, đánh giá đúng thực trạng giải ngân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn. Các dự án chưa đủ điều kiện phân bổ, đại biểu đề xuất, điều chuyển cho các dự án còn thiếu vốn, có khả năng hoàn thành và giải ngân trong năm 2023. Đồng thời xem xét bố trí nguồn để thu hồi vốn ứng trước theo nguyên tắc: các dự án sử dụng nguồn lực của ngân sách trung ương thì trung ương bố trí nguồn để thực hiện, số còn lại mới chuyển vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Minh Trang
#