Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):

Quy định rõ với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 17:52 - Chia sẻ

Cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị, quy định dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quốc tế là cần thiết song phải thận trọng, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp.

Quy định rõ với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chiều nay, 27.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Quy định rõ với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm. So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi, tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phép tự chủ hơn và đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tăng cường hoạt động giám sát. Do đó, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao cùng với các yêu cầu rất khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn, về công bố thông tin cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa hoạt động và các giao dịch.

Quy định rõ với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới -0
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm (Điều 6), ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quốc tế là điều cần thiết song phải thận trọng, cần có quy định rõ ràng, rành mạch, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp. ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu rõ, “thực tế đã có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có loại bảo hiểm nhà nước không quản lý được. Mặt khác, cũng để bảo hiểm bảo vệ cho người mua bảo hiểm không bị lừa dối thông qua mô hình này”. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình, các loại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài.

Quy định rõ với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới -0
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về hạn chế hợp đồng bảo hiểm mồ côi, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, hiện chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng hợp đồng bảo hiểm mồ côi trong khi đây là một loại hợp đồng có số lượng rất lớn và đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là đối với từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để hạn chế tình trạng hợp đồng bảo hiểm mồ côi.

Thành Trung
#