Quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ phòng thủ dân sự

- Thứ Ba, 14/02/2023, 16:37 - Chia sẻ

Chiều 14.2, tiếp tục Phiên họp thứ 20, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ phòng thủ dân sự -2
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, về khái niệm “Phòng thủ dân sự” (Khoản 1, Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối khái niệm “Phòng thủ dân sự” (PTDS) tại khoản này nội dung “hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân, đưa hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại trạng thái bình thường” nhằm thể chế đầy đủ Nghị quyết số 22/NQ-TW.

Quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ phòng thủ dân sự -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, khái niệm PTDS tại dự thảo Luật do Chính phủ trình đã kế thừa các quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018. Đồng thời, bổ sung cụm từ “khắc phục hậu quả” vào trước từ “chiến tranh” để thể chế Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 30.8.2022 của Bộ Chính trị về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nội dung nêu trên cũng đã được luật hóa trong các quy định của dự thảo Luật, trong đó tập trung ở nguyên tắc hoạt động PTDS (Điều 3), chính sách của Nhà nước trong PTDS (Điều 4) và quy định về hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa (Mục 4, Chương II). Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ khái niệm PTDS như dự thảo Chính phủ trình. 

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được chỉnh lý nhiều nội dung và được làm rõ hơn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và các văn bản liên quan về PTDS.

Về khái niệm PTDS, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính khái quát, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Theo đó, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Cần có quỹ phòng thủ dân sự

Về Quỹ PTDS (Điều 44), một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định Quỹ hay hợp nhất các quỹ, vì dễ trùng lắp nguồn thu, chồng chéo với các quỹ đã có trong luật chuyên ngành; có ý kiến đề nghị chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết.

Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.

Quy định chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ phòng thủ dân sự -1
Quang cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Theo đó, Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo Chính phủ trình (tại Điểm b, Khoản 2, Điều 43 và Điều 44). Phương án 2 là bỏ Điều 44 dự thảo Luật Chính phủ trình (Quỹ PTDS) và sửa Điểm b, Khoản 2, Điều 43 (Tài chính, lực lượng, phương tiện, dữ trữ cho PTDS) thành “b) Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố”.

Việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ vaccine thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách.

Dù là phương án 1 hay phương án 2 thì cũng đều cần có quỹ để thực hiện nhiệm vụ PTDS. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý phải chú trọng đến yếu tố công khai, minh bạch để phát huy tính hiệu quả của quỹ phòng thủ dân sự. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nên có quỹ để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa; đồng thời, cần có quy định chặt chẽ, khả thi trong luật để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Kết luận Phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm cầu thị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật cũng như nội dung các thông báo, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị.

Trung Thành
#